Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan việc thực thi Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền chuyển đổi giới tính, ông Nguyễn Thanh Tú – quyền Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, đây là vấn đề phức tạp và có nhiều luồng ý kiến khác nhau do vậy Quốc hội quyết định phải có một bộ luật quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người chuyển đổi giới tính.

chuyen_doi_gioi_tinh_ongv_dcsp.jpg
Chu Thanh Hà cầm trên tay tấm biển với dòng chữ "Cảm ơn Quốc hội" sau khi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua hôm 24/11. Hà tự nhận mình là một người chuyển giới từ nữ sang nam (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Tú cũng cho biết, để triển khai việc thực hiện Bộ luật Dân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 243 ngày 5/2/2016 giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề chuyển đổi giới tính để trình Chính phủ trong năm 2017.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng và thành lập ban soạn thảo xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Có thể nói, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã triển khai đúng kế hoạch thi hành Bộ luật Dân sự.

Dự kiến trong thời gian tới, ban soạn thảo, bộ biên tập Luật Chuyển đổi giới tính sẽ đi vào hoạt động để xây dựng chính sách cũng như những quy định cụ thể của bộ luật này. Đây là vấn đề phức tạp, cần có những quy định chi tiết nên cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu để làm sao cân bằng các vấn đề pháp lý, văn hóa, kinh tế liên quan.

Tại hội nghị cao cấp toàn cầu do tạp chí The Economist tổ chức ngày 3/3 vừa qua, đại diện của Bộ Tư pháp đã trình bày những nỗ lực và tiến triển trong quy định của Việt Nam về vấn đề liên quan đến người chuyển đổi giới tính và được hội nghị đánh giá cao. Hiện nay trên thế giới, mới chỉ có khoảng 20 quốc gia có quy định pháp lý để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính./.