Như tin đã đưa, liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tin chính thức về việc sử dụng hải sản tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Bộ Tài nguyên – Môi trường: Tắm biển an toàn
Bộ TN-MT cho biết: Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển cho thấy, về cơ bản, hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Đối với các thông số sắt, tổng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường biển), hàm lượng sắt và xyanua đã giảm đáng kể.
Xyanua nằm trong ngưỡng cho phép, chỉ còn một số khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế có giá trị thông số sắt ở tầng nước đáy vượt nhẹ ngưỡng cho phép của QCVN.
Ngư dân Thừa Thiên - Huế phải cất dụng cụ ra khơi sau sự cố môi trường (Ảnh: Lê Hiếu) |
Về chất lượng trầm tích biển, Bộ TN-MT khẳng định tại các khu vực được quan trắc, tất cả các thông số (bao gồm cả nhóm thông số là nguyên nhân chính gây sự cố môi trường) đã nằm trong giới hạn cho phép.
Đối với hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.
“Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong hạn định, đạt quy chuẩn đổi với vùng bãi tắm, thể thao nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh” – Bộ TN-MT kết luận.
Bộ Y tế: Nhiều loại hải sản chưa an toàn
Bộ Y tế cho biết đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung. Từ những kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận:
- Tất cả hải sản như: cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
- Các loại hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng.
Bộ Y tế khuyến nghị: Không sử dụng các loại hải sản: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý (các loại hải sản tầng đáy theo danh mục của Bộ NNPTNT).
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp giám sát định kỳ đối với các hải sản khai thác tại 4 tỉnh này nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe nhân dân. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện Phenol ở trên và các hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để giám sát, xét nghiệm.
Bộ NN&PTNT: Đã thống nhất mức hỗ trợ
Liên quan đến việc thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành kê khai, thống kê thiệt hại.
Ngày 20/9, các Bộ ngành đã thống nhất mức hỗ trợ cho người dân, trình Thủ tướng phê duyệt mức đền bù ngay trong tháng 9.
Theo bản đề án được Bộ NNPTNT đưa ra, ngư dân vùng bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển có thể được vay tới 90% giá trị con tàu với lãi suất 1% một năm, hoặc hỗ trợ một lần 50% giá trị con tàu; vay vốn 100 triệu đồng mỗi hộ...
Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ 100% chi phí dành cho ngư dân muốn chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động; chính sách giãn, khoanh nợ cho vay với doanh nghiệp thu mua tạm trữ hải sản, du lịch...
Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, hiện gần 1 triệu người dân tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa và họ đang chờ đợi tiền đền bù từ nhiều tháng qua./.Khuyến cáo về hải sản miền Trung: Những loại nào nên và chưa nên ăn?