Nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do bão số 10 có thể gây ra, hiện các địa phương đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão ban toàn; cho học sinh nghỉ học khi mưa to; đồng thời rà soát, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển, các khu du lịch khi có lệnh.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có gần 77.000 ha lúa mùa, gần 16.000 ha nuôi trồng thủy sản; gần 2.100 tàu thuyền, trong đó có 634 tàu đánh bắt xa bờ với 2.652 lao động. Khu vực ven biển có gần 920 lều, chòi với 1.125 ngư dân. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã thông báo để người dân biết và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động vào nơi tránh trú an toàn.
Theo kịch bản ứng phó, trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp, tỉnh Nam Định sẽ sơ tán hơn 8.600 nhà với trên 32.000 người. Để chủ động ứng phó, chiều nay (14/9), UBND tỉnh Nam tiếp tục có công điện yêu cầu các huyện, thành phố, nhất là các huyện ven biển, chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo tiêu thoát nước đệm vùng trũng thấp, đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các lồng bè; kiểm tra đê điều xung yếu sẵn sàng ứng phó khi có mưa lũ xảy ra.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa to gió giật mạnh. |
Ông Đặng Ngọc Thắng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, UBND tỉnh tiếp tục có công điện số 4 cấm biển từ 14h chiều nay và đến 9h sáng mai phải di dời toàn bộ dân ở các lều canh các chòi nuôi trồng thủy sản và các khu vực ngoài sông bị ảnh hưởng vào nơi trú ẩn an toàn.
Tỉnh Nam Định đã triển khai toàn diện công tác phòng chống lụt bão. Hiện tỉnh đã điều chuyển bao tải, rọ thép... xuống nơi trọng điểm xung yếu của huyện Nghĩa Hưng để chuẩn bị sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu hoãn tất cả các cuộc hợp không cần thiết
Còn tại tỉnh Nghệ An, theo báo cáo nhanh của các địa phương và bộ đội biên phòng tỉnh, đến 15h30 chiều 14/9, đã liên lạc hầu hết với các phương tiện đang tham gia đánh bắt trên biển để về tránh trú bão. Tuy nhiên vẫn còn 297 tàu cá với 2343 lao động vẫn chưa về đất liền. Các địa phương đã liên lạc được với chủ tàu để hướng dẫn tàu vào nơi trú ẩn an toàn. Dự tính, tối nay các tàu sẽ cập bến. Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, hôm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã có công văn khẩn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, Thị xã, thành phố, các đơn vị trường học trên toàn tỉnh theo dõi chặt chẽ thời tiết, nếu mưa to phải cho học sinh nghỉ học; tổ chức trực ban, kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật... sẵn sàng ứng phó.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, Sở đã giao cho các nhà trường chủ động theo dõi cập nhật thời tiết để từ đó có kế hoạch cũng như thông báo kịp thời cho học sinh nghỉ học để tránh trường hợp các em đến trường khi mà cơn bão đổ bộ, phân công người trực 24/24. Các trường miền núi tránh lũ lụt bất thường.
"Đến thời điểm này đã có thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, Thị xã Thái Hòa đã cho học sinh nghỉ học còn một số huyện khác thì cuối buổi chiều sẽ cập nhật thời tiết cũng như là theo dõi tình hình thì mới có quyết định chính thức. Cơn bão vào toàn tỉnh có trên 700.000 học sinh sẽ phải nghỉ học" - ông Hoàn cho biết./.
Bão số 10 gió giật cấp 15 hướng vào Nghệ An đến Quảng Trị
Bão số 10 làm 1 tàu chìm, 2 tàu mất liên lạc trên biển
Phó Thủ tướng kiểm tra công tác ứng phó với bão số 10
Bão số 10 sẽ ảnh hưởng đến 5 tỉnh miền Trung