Sáng nay (14/9), các tỉnh Bắc Trung bộ đã có mưa. Chủ động phòng chống bão số 10, các địa phương thực hiện nghiêm việc cấm tàu thuyền ra khơi, rà soát toàn bộ hồ đập, công trình thủy lợi, công trình xây dựng để sẵn sàng ứng phó với bão lũ.

** Đến 9h sáng 14/9, tại 5 tỉnh Miền Trung chịu ảnh hưởng của cơn bão số 10 gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đa số tàu cá và bà con ngư dân đã vào bờ tránh trú bão.

vov_mua_4a_xsnh.jpg
Neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh bão 
Theo thông tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1, đến 9h sáng 14/9, tại tỉnh Thanh Hóa đã có 6.177 phương tiện, 27.000 lao động trên biển đã về bờ tránh trú bão.

Tại Nghệ An hiện đang có 804 tàu cá đánh bắt gần bờ và xa bờ vẫn đang hoạt động trên biển. Lực lượng chức năng đã có thông báo đến tất cả các tàu này để kêu gọi vào bờ tránh trú bão. Ở Hà Tĩnh, đa số các phương tiện đã vào bờ neo đậu.

Thông tin từ lực lượng Biên phòng Quảng Bình, hiện địa phương này có 2.254 tàu cá đã vào bờ an toàn, còn 275  tàu và 2.300 lao động trên biển đã nhận được thông tin kêu gọi về bờ tránh trú. (PV/VOV.VN)

Các địa phương Thừa Thiên-Huế kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 10
** Tại tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời hơn 2.000 hộ dân các khu vực xung yếu đến nơi an toàn. Trong chiều qua và sáng nay, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị kiểm tra lại dung tích nước trong cac hồ chứa và có kế hoạch xả bớt nước để đón lũ ở.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: lãnh đạo tỉnh chia làm nhiều đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo phòng chống bão số 10.

“Chúng tôi đã phân công các lãnh đạo tỉnh để về trực tiếp chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã và ở các vùng ven biển để đảm bảo cho việc người dân không được chủ quan. Theo kinh nghiệm lần trước do một số lần người dân chủ quan cho nên xảy ra thiệt hại đặc biệt thiệt hại về người. Lần này chúng tôi kiên quyết nhắc nhở, đôn đốc không được lơ là, không được chủ quan” - ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết.

Sáng nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu dừng các cuộc họp từ tỉnh, huyện cho đến xã để tập trung phòng chống bão số 10. Tất cả các học sinh trong tỉnh được cho nghỉ học đến khi bão đi qua. Các tàu thuyền đã vào bờ phải kiểm tra việc neo đậu một cách khoa học để khi bão vào không bị va chạm vào nhau tránh bị vỡ, không cho người dân ở lại trên tàu thuyền khi bão vào.

Người dân dùng bao cát để gia cố nhà cửa, chằng chống mái tôn
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Triển khai công tác phòng chống bão lụt ngay từ bây giờ phải hết sức khẩn trương. Đình chỉ tất cả các cuộc họp từ tỉnh cho đến huyện, đến xã để tập trung phòng chống bão lụt. Lực lượng công an, lực lượng biên phòng, lực lượng quân sự trực sẵn sàng, rà soát lại tất cả phương tiện để khi bão lũ xảy ra sẽ có cứu hộ cứu nạn kịp thời. Cố gắng làm thế nào đó để không xảy ra thiệt hại về tình mạng của người dân, đó là điều đặt lên hàng đầu”.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện lệnh cấm biển vào trưa nay, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, quản lý chặt chẽ tàu thuyền và tổ chức neo đậu vào nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án bảo vệ các công trình xây dựng; đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công và các công trình hạ tầng gần khu vực công trình.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Tất cả những trà lúa đã chín phải tập trung gặt bằng hết, còn những trà khác theo đúng khung lịch đến tháng 10 mới gặt tập trung chống úng hỗ trợ cho người dân. Đến chiều tối hôm nay sẽ giải quyết hết diện tích có thể cắt gặt được. Công tác kêu gọi tàu thuyền đã cơ bản, hiện còn 9 tàu và 99 lao động đang vào bờ”.

Trưa nay, tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung đã vào neo đậu chật kín. Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã cử lực lượng phân luồng, hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu.

Hiện có hơn 670 tàu thuyền vào neo đậu tại Cảng cá Thọ Quang, vượt gần 200 tàu so với sức chứa của âu thuyền này. Các tàu vào neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang được hỗ trợ bốc dỡ cá xuống cầu cảng và bán ngay tại chỗ.

Lượng cá bán ra trong buổi sáng nay khoảng 420 tấn. Ngư dân Trịnh Tứ Nghĩa ở thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, tàu của anh mới đánh bắt khoảng 4 ngày, được 10 tấn cá, nghe thông tin bão số 10, anh em trên tàu liền đưa tàu vào neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang cho an toàn.

Tranh thủ cắt tỉa cây xanh giảm thiểu gãy đổ gây nguy hiểm cho người đi đường
Tại tỉnh Quảng Nam, hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ đã di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão hoặc tìm nơi tránh trú. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện các hồ chứa nước trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn đang ở dưới mực nước đón lũ, các địa phương đã chuẩn bị phương án đối phó với tình hình mưa bão.

“Riêng Thủy điện A Vương, tôi cũng đã chỉ đạo cho A Vương hạ mực nước hồ. Đến 7h sáng mai (15/9), sẽ về đến mực nước đón lũ. Như vậy tất cả các hồ nằm trong quy trình để đảm bảo đón lũ tốt. Các địa phương kiểm tra ảnh hưởng của đường cao tốc Đà Nẵng vào đến Tam Kỳ xem mức độ ngập lụt xem ảnh hưởng như thế nào. Hiện nay, chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ”- ông Lê Trí Thanh nói.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành lệnh cấm biển và nghiêm cấm toàn bộ tàu thuyền ra biển hoạt động, tạm dừng hoạt động tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ-Lý Sơn.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi yêu cầu các đồn, trạm ven biển duy trì liên lạc với các phương tiện trên biển, sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn khi có sự cố trên biển. Sáng nay, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều phương tiện đánh bắt ở vùng biển xa chạy vào neo đậu tránh trú. Ngư dân Nguyễn Thành Châu cho hay, khi nghe tin bão anh em đánh bắt ngoài khơi sắp xếp chạy vào cho an toàn./.