Với loạt bài “Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa nhìn từ công pháp quốc tế”, nhóm tác giả Lê Phúc, Thùy Vân, Thu Lan, Lê Bình – Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) Đài TNVN đã vinh dự được nhận Giải A – Báo chí Quốc gia lần thứ VI – 2011.

Một trong hai giải thưởng cao nhất dành cho báo giới lần này không chỉ đơn thuần nhằm tôn vinh những cống hiến, đóng góp của nhóm tác giả, mà điều quan trọng hơn cả là qua loạt bài, đã giúp công luận có cái nhìn khoa học, biện chứng nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Hai năm “thai nghén”…

Nhà báo Lê Phúc - “nhạc trưởng” của nhóm tác giả cho biết, từ khi manh nha ý tưởng đến khi lên sóng, các anh chị đã mất hai năm để xây dựng đề cương chi tiết, tìm kiếm, tổng hợp tư liệu, phỏng vấn chuyên gia trong và ngoài nước... cũng như hoàn thành những khâu cuối trước khi phát sóng.  

bien-dao1.jpg

Nhóm tác giả, từ trái qua: Lê Bình, Thùy Vân, Lê Phúc và Thu Lan

Nội dung của loạt bài “Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa nhìn từ công pháp quốc tế” đã được đưa vào cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do NXB Thông tin- Truyền thông phát hành. TS.Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận xét: “Loạt bài này đã cung cấp cho công chúng trong và ngoài nước những thông tin cơ bản về nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được áp dụng trong luật pháp và thực tiễn quốc tế; quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử…”.

“Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là luận điểm trước sau như một của chúng ta và mỗi người dân Việt Nam đều biết. Song điều đặc biệt chúng tôi muốn đem đến cho thính giả đó là ngoài những cứ liệu lịch sử, loạt bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo dựa trên luật pháp quốc tế; quá trình xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa; đặc biệt phân tích khách quan quan điểm các bên trong việc tranh chấp chủ quyền, để từ đó đưa ra kết luận thực sự vững chắc rằng hai quần đảo là thuộc chủ quyền của Việt Nam”, nhà báo Lê Phúc chia sẻ.

Điều khó khăn nhất đối với nhóm tác giả là khi thực hiện loạt bài này, trong tay họ có rất ít tư liệu chính thống phân tích trên cơ sở quốc tế về chủ quyền của chúng ta về hai quần đảo này, trong khi các tư liệu hầu hết mang tính lịch sử, lại rất ngắn gọn.

Nhóm xác định “tài liệu” quý giá nhất chính là từ các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước. Điều quan trọng là làm sao kết nối được với họ, khai thác được thông tin cũng như tổng hợp, phân tích để tìm những tư liệu “đắt” nhất cho loạt bài. Đối với bài viết về chủ quyền, các tác giả tâm niệm không được phép sai sót, dù là chi tiết nhỏ nhất; mỗi tư liệu, chứng cứ đưa ra cần được kiểm chứng từ những cơ quan chính thống của Đảng và Nhà nước.  

Được lãnh đạo Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) duyệt và ủng hộ, nhóm tác giả đã phải triển khai và hoàn thành một khối lượng lớn công việc, xử lý, phân tích cả “biển” thông tin. Phóng viên Lê Bình chia sẻ, tuy mới vào nghề, sự hiểu biết về đề tài còn hạn chế, nhưng khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ, dù có đôi chút lo lắng song anh rất hăng hái. Việc đầu tiên phóng viên Lê Bình làm đó làm tìm đọc rất nhiều tài liệu, nhằm trang bị những kiến thức cần thiết về đề tài, để từ đó có thể tiếp cận và được các chuyên gia “trải lòng”.  

Điều may mắn với nhà báo Lê Bình, Thu Lan đó là đã tiếp cận được với “nhóm nghiên cứu Biển Đông” – những “kho tư liệu quý hiếm” như ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc; ông Hoàng Việt, giảng viên trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đình Đầu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam; ông Đinh Kim Phúc, giảng viên khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh…

Theo nhà báo Nguyễn Thùy Vân, là phóng viên Đài TNVN thường trú ở Paris - Pháp, đôi khi giữa biển thông tin, cái khó của người làm báo là thể hiện bản lĩnh độc lập, đó là lựa chọn và khai thác thông tin nào mà theo dự cảm của riêng mình là quan trọng và cần thiết cho thính giả Việt Nam…  

Nhà báo Thùy Vân sau đó đã kết nối trực tiếp với bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu và là người tham gia viết Công ước Luật biển.

Những tư liệu, bằng chứng quý giá mang tính luật pháp quốc tế mà nhà báo Thùy Vân khai thác được từ bà Monique đã góp phần tạo “sức nặng” cho bài viết, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1)

Hiệu ứng đặc biệt trong dư luận

Ngay sau khi loạt bài được lên sóng trong chương trình “Biển đảo Việt Nam” đã tạo được hiệu ứng đặc biệt trong xã hội. Hàng nghìn cuộc điện thoại cũng như thư thính giả trong và ngoài nước gửi Đài TNVN bày tỏ sự ủng hộ đối với loạt bài.

Đến nay, chương trình Alô VOV1 – được phát trực tiếp hàng đêm, vẫn đều đặn nhận được điện thoại của thính giả cổ vũ, động viên các phóng viên của Đài xây dựng những tác phẩm báo chí nghe “đã tai” như loạt bài về Trường Sa và Hoàng Sa.

Ông Uông Ngọc Dậu, Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1 khẳng định: “Thông tin được cung cấp đầy đủ và kịp thời sẽ khơi dậy tâm thức Biển Đông của cả dân tộc; biến mỗi hòn đảo, mỗi vùng biển trở thành một pháo đài xanh, một bức tường thành kiên cố bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc. Bài cuối của loạt bài chính là những đề xuất, giải pháp tranh chấp Biển Đông theo hướng hòa bình, tôn trọng lịch sử trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Nhà báo Lê Phúc tâm sự: Từ trước đến nay, trong sách giáo khoa lịch sử luôn nhấn mạnh tới truyền thống giữ nước hào hùng của cha ông chúng ta. Song vấn đề “dựng nước, mở cõi” cũng vô cùng quan trọng và cần được đưa vào nhà trường để giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là vấn đề chủ quyền quốc gia. Chúng ta có thể khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi chúng còn là đất vô chủ - và việc chiếm hữu này là thật sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình./.