UBND tỉnh Phú Thọ vừa phê duyệt kế hoạch Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất. Năm 2018 là năm lẻ nên lễ hội năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam theo Đề án Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh phí tổ chức lễ hội được bố trí từ ngân sách tỉnh, một phần hỗ trợ của các đơn vị, các tỉnh tham gia tổ chức và tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động trong lễ hội.

gio_to_vov_vmqw_czvy.jpg
Lễ giỗ tổ Vua Hùng. (Ảnh: Bình Minh)

Các hoạt động phần Lễ và phần Hội trong giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 được tổ chức trong 05 ngày, từ ngày 21 (Thứ 7) đến ngày 25 tháng 4  năm 2018 (tức ngày 06 đến ngày 10 tháng 3 năm Mậu Tuất). Toàn bộ phần lễ được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Phú Thọ và tiếp sóng trên các đài truyền hình trung ương, các tỉnh, thành.

Thời gian tổ chức nghi lễ dâng hương tại Đền Thượng: Từ 6h30’ phút, ngày 25 tháng 4 năm 2018 (tức ngày 10 tháng 3 năm Mậu Tuất).

Thời gian dâng hương bắt đầu từ 6h tại Sân Trung tâm lễ hội Đền Hùng lên đền Thượng, sau đó đặt vòng hoa, thắp hương tại lăng Hùng Vương và dâng hoa trước bức phù điêu có hình tượng“Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”

Đại biểu tới dự Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng có sự tham gia của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Ban, Bộ, ngành Trung ương, và các địa phương,  các Hội, Liên hiệp hội, đại diện các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La và đại diện 4 tỉnh tham gia góp giỗ.

Tỉnh Phú Thọ đã lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn VSTP, phòng chống cháy nổ tròn suốt những ngày diễn ra lễ hội. Tiếp tục phát huy những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thực hiện cứu nạn, cứu hộ kịp thời đảm bảo an toàn cho nhân dân về dự lễ Giỗ Tổ.

Đến với Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay, du khách hành hương không chỉ sống trong không gian tín ngưỡng đặc trưng của người Việt mà còn được trải nghiệm không gian rất riêng vùng đất cội nguồn dân tộc.

Không gian của phần hội năm nay, TP Việt Trì tiếp tục tổ chức Lễ hội dân gian đường phố, trình diễn các trò dân gian các di sản văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Thọ như: Hội trò trám (huyện Lâm Thao); rước voi Đào Xá (huyện Thanh Thủy); đi cà kheo (huyện Đoan Hùng)…

Lễ hội dân gian đường phố dự kiến được tổ chức vào 19h ngày 21/4/2018 (tức 6/3 Al). Cùng với đó TP Việt Trì đang nghiên cứu xây dựng một số điểm vui chơi giải trí trên địa bàn như: Khu chợ đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ... góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, thu hút đông đảo khách du lịch đến với thành phố, đến với lễ hội.

Cùng với các hoạt động chính lễ là hàng loạt các hoạt động triển lãm, hội thi, trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa của tỉnh Phú Thọ như: hội sách Đất Tổ; hội thi nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trưng bày tư liệu, hiện vật với chủ đề “Lễ hội và tín ngưỡng vùng đất Tổ”. Các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian truyền thống như: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật truyền thống, bắn nỏ, đẩy gậy được tổ chức rộng rãi tại các, huyện, thị trong tỉnh.

Đặc biệt, các du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu Hát Xoan vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở các địa điểm như miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình Kim Đái thuộc xã Kim Đức và xã Hùng Lô, phường Phượng Lâu, TP Việt Trì./.