Dù cuộc sống vất vả mưu sinh, nhưng mỗi khi có thông tin về những vụ tai nạn giao thông gần đó, những người lái xe ôm (những tình nguyện viên) tại Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh luôn có mặt sớm nhất, tham gia sơ cứu nạn nhân, bảo vệ tài sản và đưa nạn nhân đi cấp cứu mà không bao giờ yêu cầu trả thù lao. Làm nghề “xe ôm” nhưng họ tình nguyện tham gia điểm chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông của Hội Chữ Thập đỏ.

anh_1_vov_ozpy.jpg
Ông Nguyễn Công Hoan, tổ trưởng tổ chốt trạm đầu tiên thực hiện mô hình sơ cấp cứu cho người bị TNGT do Hội chữ thập đỏ phát động từ năm 2014.

 “Cuối năm 2018 có 4 em học sinh va chạm giao thông ngay đầu cầu Kim Lăng, các em bị văng ra 5 đến 6m thì anh em tổ đội xe ôm có sơ cứu và đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Sau đó gọi cho gia đình các em đến bệnh viện.”. Đó là một trong rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông được đội xe ôm thân thiện, an toàn số 2 tại chợ Dộc, thị xã Quảng Yên sơ cấp cứu từ khi đi vào hoạt động năm 2017.

Thường xuyên đưa đón khách trên đường, không ít lần chứng kiến các vụ tai nạn giao thông, rất nhiều người làm nghề xe ôm tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã tình nguyện tham gia điểm chốt sơ cấp cứu an toàn giao thông.

Tại khu vực có đội xe ôm thân thiện, an toàn đều công khai số điện thoại các thành viên trong đội để người dân kịp thông tin khi xảy ra tai nạn giao thông.

Anh Đồng Xuân La, đội xe số 2 Chợ Dộc cho biết: Ngoài mũ bảo hiểm, các tài xế xe ôm còn được trang bị túi cứu thương với bông, băng, thuốc sát trùng và được tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu, giảm tổn thương ban đầu cho người bị nạn.

"Khi tham gia đội, chúng tôi được Hội Chữ thập đỏ thị xã tập huấn kỹ năng băng bó, sơ cứu vết thương. Một năm từ 1 đến hai lần"- anh Đồng Xuân La nói.

Anh Phạm Văn Phương chia sẻ, có những trường hợp bị thương rất nặng, nhự dập nát xương, chảy nhiều máu, mặc dù sợ nhưng do đã được tập huấn nên tôi tự sơ cấp cứu cho họ.

Thị xã Quảng Yên hiện có 3 chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông với 24 thành viên tham gia tại khu vực chợ Dộc, ngã ba chợ Phong Cốc và khu vực vòng xuyến cầu sông Chanh. Dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng những người lái xe ôm luôn sẵn sàng gác lại mọi việc khi nhận được thông tin có tai nạn giao thông, bất kể thời gian, mưa nắng mà không đòi hỏi thù lao.

Trong nhiều năm qua, 3 tổ chốt trạm đã sơ cứu cho hàng trăm người bị tai nạn giao thông trên địa bàn.

 “Trước đây, mỗi tháng chúng tôi sơ cứu khoảng 7-8 vụ tai nạn giao thông, bây giờ đã giảm dần. Nhiều người nhìn thấy họ cũng chỉ đứng xem vì lo ngại máu me ảnh hưởng đến sức khỏe, rồi mất cắp, sợ bị hiểu lầm, sợ mang tiếng...”- ông Nguyễn Công Hoan, đội xe ôm số 1, thị xã Quảng Yên cho biết.

Việc sơ cấp cứu đúng kỹ thuật cho người bị nạn cần được thực hiện càng sớm càng tốt và sẽ góp phần tăng tỉ lệ cứu sống nạn nhân khi được đưa đến bệnh viện hoặc các Trung tâm y tế. Với trang bị và kiến thức được tập huấn, nhiều năm qua 3 Tổ, đội xe ôm thân thiện tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã sơ cấp cứu, giúp đỡ cho hàng trăm nạn nhân bị tai nạn giao thông bất kể là ngày hay đêm. Họ là những minh chứng sống động nhất cho những việc làm tử tế trong cuộc sống thường ngày.

“Tôi chứng kiến 3, 4 lần khi có tai nạn đội xe ôm đã ra kiểm tra người bị thương và dìu người vào quán để sơ cứu ban đầu. Việc làm này của họ rất đáng hoan nghênh, vì đây là hành động đẹp và rất nhân đạo.”- ông Trần Công Khắc, người dân thị xã Quảng Yên nói.

Với những người đang hành nghề xe ôm tại thị xã Quảng Yên, 1 ngày làm việc ý nghĩa là một ngày kiếm được thu nhập cho gia đình và giúp đỡ những người không may mắn bị tai nạn giao thông. Bởi với họ cuộc sống dù còn vất vả nhưng sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người đều sống bằng cả tấm lòng./.

Ngày Xuân kể chuyện Ron “hiệp sĩ’

VOV.VN - Chàng ngư dân 25 tuổi này ở làng chài Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương dũng cảm vì cứu người.