Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 927/2), những sinh viên đang học ngành Y có cơ hội được giãi bày tâm sự của mình:

tuan-y-hoc-co-truyen.jpg
Nguyễn Hữu Tuấn- Sinh viên năm thứ nhất, Khoa Y học cổ truyền-Đại học Y Hà Nội

Nguyễn Hữu Tuấn- Sinh viên năm thứ nhất, Khoa Y học cổ truyền-Đại học Y Hà Nội: Quê em là một xã vùng cao, giáp biên giới của tỉnh Nghệ An, nên còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong việc chữa bệnh. Người dân ở đây vẫn còn tin thầy lang hơn thầy thuốc. Nên mỗi khi có người mắc bệnh, phải đi cấp cứu thì các y, bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Chứng kiến nhiều cảnh thương tâm như bệnh đơn giản nhưng lại không cứu được, khiến em rất đau lòng.

Đặc biệt, qua tìm hiểu, em thấy hiện nay bác sĩ giỏi còn thiếu rất nhiều, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, miền núi, vùng sâu vùng xa. Vì vậy, ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, em luôn đặt mục tiêu phải cố gắng học tập, trở thành sinh viên trường Y để sau này trở về quê hương làm việc, chữa bệnh cho người dân.

Dù biết chặng đường học tập, rèn luyện 6 năm trong trường đại học sẽ còn nhiều gian nan, thử thách. Thế nhưng, em có lòng tin và không bao giờ chùn bước vì niềm tin và ước mơ vẫn luôn cháy bỏng. Em tự hào vì đã lựa chọn đúng cho nghề nghiệp của mình.

Hoàng Phương Thảo-Sinh viên năm thứ 5, ngành Bác sĩ Đa khoa

Hoàng Phương Thảo-Sinh viên năm thứ 5, ngành Bác sĩ Đa khoa: Ngay từ năm học đầu tiên, chúng em đã phải đi thực tế tại các bệnh viện. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, lúc đó em mới cảm nhận được sự sống thật mong manh, khoảng khắc sống-chết chỉ còn trong gang tấc. Nhìn thấy các bác sĩ không quản ngày đêm, môi trường làm việc độc hại để cứu chữa cho bệnh nhân, em càng ý thức hơn về công việc cao quý của nghề Y-nghề của những con người luôn hy sinh để cứu người mà không hề vụ lợi.

Sau này, được học tập, làm quen với môi trường nhiều hơn, em đã được tham gia vào kíp cấp cứu của bác sĩ. Những lúc nhìn bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị đúng, kịp thời, nhanh hết bệnh, thấy niềm vui nho nhỏ của người nhà và bệnh nhân khi ra viện… em cảm thấy thật tự hào về công việc mà mình đang theo đuổi.

Vì vậy, em rất tự tin khi nói rằng: “Tôi chọn nghề thầy thuốc để cứu người và giúp đời”.

Trần Trung Nghĩa, khoa Y học cổ truyền

Trần Trung Nghĩa, khoa Y học cổ truyền: Thời gian vừa qua, trước những tắc trách chuyên môn ở một số trường hợp cá biệt trong ngành Y, hiện tượng nhận phong bì tràn lan tại bệnh viện khiến dư luận lên án rất gay gắt về y đức của người thầy thuốc. Nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, trong hàng vạn bác sĩ có tay nghề vững, y đức tốt. Và càng không thể phủ nhận những đóng góp của đội ngũ bác sĩ chân chính cho xã hội.

Dư luận phản ứng và lên tiếng là điều cần thiết để những thầy thuốc răn mình. Tuy nhiên, mọi người cũng nên có cái nhìn thông cảm hơn vì lao động ngành y là loại lao động đặc thù, gắn với trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh. Công việc không chỉ đòi hỏi khẩn trương, diễn ra cả ngày lẫn đêm, trong môi trường không thuận lợi, nguy cơ độc hại, lây nhiễm, cực nhọc, căng thẳng và chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội…

Dù là vậy, bản thân em cũng như nhiều y, bác sĩ khác vẫn đang học tập và làm việc trọn chữ “tâm” của người thầy thuốc, trong sứ mệnh thiêng liêng nhất là chữa bệnh cứu người.

Đinh Phương Thảo, sinh viên lớp Y5, khoa Răng -Hàm -Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội

Đinh Phương Thảo, sinh viên lớp Y5, khoa Răng -Hàm -Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội: Ngày từ ngày đầu tiên nhập trường, chúng em phải mua áo blouse trắng để đi thực tập. Mặc dù đó chỉ là áo dành cho sinh viên, nhưng được khoác chiếc áo trắng lên người em cảm thấy vô cùng tự hào và thích thú. Tuần học đầu tiên của chúng em cũng là tuần học về y đức. Trong những bài giảng, những chuyến đi thực tập, thực tế sau này, thầy cô vẫn luôn nhắc “Y đức cần được rèn luyện cả đời, bao gồm cả rèn chuyên môn nghiệp vụ. Người làm ngành Y không thể thiếu đức, cũng không thể thiếu tài”. Y đức không chỉ là làm cách nào để cứu chữa tốt nhất cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị cho họ… mà còn phải tạo sự tin tưởng giữa bác sĩ với bệnh nhân và bác sĩ với đồng nghiệp.

Khi chợt nhận ra, thầy cô khó với chúng em vì muốn sau này chúng em trở thành những người bác sĩ có đủ tài năng và bản lĩnh. Những thử thách khắc nghiệt ở trường y sẽ là hành trang quý báu giúp chúng em trưởng thành, chín chắn hơn. Đối với em, nghề nào cũng cần có những con người vẹn toàn cả tài và đức nhưng ngành y thì tài phải cao, đức phải rộng vì chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh./.