"Lời chào" cao hơn đơn thuốc
Bác Nguyễn Xuân Viện (72 tuổi, ở Hà Nội) phát hiện bệnh rối loạn sinh tủy từ năm 2011. Sau 6 đợt điều trị tấn công tại Viện HH&TM T.Ư, bệnh của bác Viện đã ổn định. Nhưng hằng tháng bác vẫn phải trở lại bệnh viện để kiểm tra. Ba năm như thế, bác không chỉ quen mặt hầu hết các BS, y tá ở đây, mà còn tinh ý nhận ra những sự thay đổi dù rất nhỏ.
BS Nguyễn Quốc Nhật (Viện Huyết học và truyền máu T.Ư) khám bệnh cho bệnh nhân Đỗ Bích Phượng ở Hải Phòng |
“Trước đây, khi đẩy xe thuốc vào buồng bệnh, các cô y tá thì thường gọi: “Bác nào có thuốc thì bỏ ra tiêm nhé”. Còn bây giờ, câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Cháu chào các bác”. Lúc truyền thuốc, các cô cứ vừa làm vừa hỏi: Đêm qua bác có ngủ được không? Bụng bác hôm nay còn đau không? Đêm qua bác có phải đi vệ sinh nhiều lần không?”.
Cứ vừa nghe vừa trả lời, tôi dường như quên kim đang chọc vào tay. Xong rồi, các cháu lại cảm ơn mình. Tôi cứ đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Có cô thì không nói hẳn là cảm ơn đâu, mà nhìn lại bệnh nhân, chỉ nhẹ nhàng: “Bác nghỉ đi nhé, cháu xong rồi ạ”.
Lúc đầu tôi tưởng tuổi cao, bệnh nặng nên các cô ấy động viên, vì mình cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng khi tìm hiểu, tôi mới biết, với bệnh nhân nào, các cô ấy cũng ứng xử như vậy”.
Còn những thay đổi bất ngờ nữa được bác Viện kể ra, như các phòng bệnh đều được chạy máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè, mỗi tầng từ năm 2013 có bình nước uống nóng lạnh cho bệnh nhân, bệnh viện giặt quần áo cho bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân.
Những hình ảnh đầy thiện cảm hằng ngày như thế tại Viện HH&TM T.Ư đã là nguồn cảm hứng để bác Viện làm gần 100 bài thơ về bệnh viện trong 3 năm qua. Như bài thơ “Nụ cười và niềm tin” của bác có đoạn: “Đến đây chữa bệnh nằm giường/Trên ga dưới đệm đêm trường ấm êm/Lại được thầy thuốc động viên/Tinh thần phấn khởi vượt lên bệnh tình/Nơi này y đức văn minh/Nhà cao sạch sẽ, vệ sinh tuyệt vời.../Bệnh nhân thầy thuốc chan hòa/Không còn khoảng cách người xa với gần”.
Bé Trần Kim Anh (8 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng điều trị ở đây 3 năm. Lần đầu tiên đưa con vào viện, chị Thủy rất ngạc nhiên khi cô y tá An mang thuốc vào tận phòng cho con chị và nói “Chị cho cháu uống thuốc đi, men gan của cháu cao đấy, chị chú ý nhé. Cháu mệt quá, nhớ báo cho chúng em ngay đấy” với thái độ rất nhẹ nhàng.
Có lần, khi bé Kim Anh đưa cho BS Dương quyển sổ khám bệnh, BS không chỉ cầm ngay, mà còn gọi Kim Anh vào hỏi chuyện, rồi nắm tay cháu, xoa đầu, vuốt má cháu. “Nhìn chị ấy âu yếm con mình, tôi xúc động lắm, các cô yêu cháu như con mình vậy” - chị Thủy cảm động kể.
Đã có người khuyên chị Thủy đưa con về Hải Phòng điều trị cho gần nhà, đỡ vất vả nhưng chị nhất quyết không, dù mỗi lần cả đi lẫn về hơn 300km. “Sự ân cần, niềm nở của các BS, y tá giúp hai mẹ con tôi có thêm nghị lực, cháu Kim Anh vui mà quên bệnh, về nhà cháu cũng nhớ các cô ở đây. Thế nên, dù có phải vay mượn để điều trị, tôi cũng quyết tâm cho cháu lên Hà Nội”.
Không có bệnh nhân, không thể có BS
Là một bệnh viện mà nguồn “vật tư” chính để điều trị là máu an toàn thu nhận được từ người hiến, nên có lẽ hơn ai hết, Viện HH&TM T.Ư ý thức được rằng, nếu không có người cho máu sẽ không có bất cứ một BS ngành huyết học nào thành công.
Có lẽ xuất phát từ điều đó mà từ 4 năm qua, GS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện HH&TM T.Ư - tự mình nói lời cảm ơn với bệnh nhân và luôn dặn các cán bộ, nhân viên y tế ở đây thực hiện điều đó.
TS Bạch Quốc Khánh – PGĐ - là người đã trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 20 năm qua. Theo BS Khánh, tinh thần lạc quan, tin tưởng đóng góp tới 50% thành công khi điều trị bệnh ung thư. Họ thường suy sụp, lo lắng gánh nặng kinh tế, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Một câu cảm ơn, hay chỉ là cử chỉ thân thiện của BS sẽ khiến họ mạnh dạn nói hết các tiền sử, triệu chứng bệnh. Nếu không, BS hỏi gì, họ nói nấy thì rất dễ bỏ qua những thông tin quan trọng.
Lúc nắm rõ tình hình bệnh nhân, BS mới tự tin chắc chắn đưa ra phác đồ phù hợp và hiệu quả. Mỗi bệnh nhân là một ca bệnh, không ai giống ai, mà kinh nghiệm điều trị có thể quyết định tới 60 – 70% sự thành công của BS. Vì thế, BS có tận dụng được các cơ hội làm giàu kinh nghiệm của mình hay không là do mỗi người mà thôi.
Việc nói câu cảm ơn với bệnh nhân khi thăm khám xong, với TS Khánh không hề mang cảm giác khiên cưỡng. BS Khánh đã chia sẻ: “Xã hội tôn vinh chúng tôi là thầy thuốc. Với những BS tham gia giảng dạy, chúng tôi cũng là thầy giáo. Nếu không có bệnh nhân là thực tế để học tập, rèn luyện và thi thố tài năng, sẽ không có người nào được gọi là BS, càng không ai được xã hội tôn vinh là những lương y như từ mẫu”./.