Hàng trăm tiểu thương ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vô cùng thất vọng và không đồng tình trước quyết định đình chỉ hoạt động chợ thị trấn Tân Hiệp của UBND huyện và buộc bà con sang khu chợ mới của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Sao Mai.
Chợ thị trấn Tân Hiệp là ngôi chợ truyền thống đã tồn tại gần 60 năm và hiện có gần 300 tiểu thương hoạt động. Chợ mới xây là một hạng mục nằm trong dự án “Khu nhà ở cao cấp Sao Mai” do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Sao Mai đầu tư. Chợ mới cách chợ cũ gần 1km, nằm khuất sâu trong khu nhà ở cao cấp Sao Mai, phía sau tiếp giáp với đồng ruộng và nghĩa địa tự phát.
Khi chợ mới xong, cuối năm 2014, UBND thị trấn Tân Hiệp mới mời bà con họp để thông báo di dời chợ hiện hữu sang chợ mới và buộc phải di dời trước ngày 20/3/2015. Mới đây, ngày 26/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp lại ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ thị trấn Tân Hiệp để di dời sang chợ mới. Bất ngờ trước các thông báo này, bà con tiểu thương đã làm đơn khiếu nại.
Giấy triệu tập tiểu thương |
Bà con cho rằng, vì sao việc di dời chợ là một chủ trương lớn mà trước đó không lấy ý kiến của bà con; không thông báo rộng rãi? Chỉ đến khi chợ được xây xong mới ban hành thông báo mang tính mệnh lệnh hành chính. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, tài sản của bà con.
Tiểu thương Nguyễn Thị Ánh Tuyết, kinh doanh ở chợ cũ đã 29 năm cho rằng: “Khi chính quyền muốn dời chúng tôi sang chợ mới thì trong phiên họp đầu tiên lại không triển khai cho dân mà chính quyền chỉ hợp tác đầu tư với nhà đầu tư làm thành cái chợ. Khi chợ gần hoàn thành thì phát giấy cho bà con chúng tôi để di dời qua bên đó. Giấy thứ nhất đề cập đến việc dời sang chợ mới, giấy thứ hai sau đó có 1 tháng là buộc chúng tôi phải đi. Nếu tiểu thương không đi là vi phạm luật pháp, xử lý theo luật pháp. Người dân chúng tôi rất bức xúc”.
Ngạc nhiên hơn là những hộ không đồng tình với chủ trương này thay vì được các tổ chức mặt trận, đoàn thể vận động, thuyết phục thì lại bị công an thị trấn và công an huyện mời lên làm việc. Điều này vô tình khiến tinh thần của tiểu thương bị khủng hoảng; thậm chí cảm thấy bị xúc phạm.
Bà Đàm Thị Kim Loan- một tiểu thương làm đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh phản ánh các vấn đề trên. Sau đó, Văn phòng UBND tỉnh đã chuyển đơn cho UBND huyện Tân Hiệp. Gần 2 tháng sau, Công an thị trấn Tân Hiệp mời bà đến làm việc với cán bộ đội an ninh.
Chị Lê Thị Như Mai, tiểu thương ở chợ cũng trong hoàn cảnh tương tự nói: “Tôi có bị công an mời. Tôi cũng thắc mắc vì sao công an lại mời chúng tôi thì công an nói là các chị cứ yên tâm, chúng tôi chỉ muốn hỏi một số việc chứ không làm gì mấy chị đâu, mấy chị cứ thật thà nói vì sao không chịu đi sang chợ mới”.
Tại cuộc họp với tiểu thương mới đây, tịch UBND huyện Tân Hiệp cho rằng, chợ cũ đã xuống cấp và hệ thống PCCC không đảm bảo nên buộc phải di dời sang chợ mới. Trước yêu cầu này, các tiểu thương đề nghị được Cảnh sát PCCC hỗ trợ thiết kế lại mạng lưới PCCC cho chợ thật an toàn. Bà con cũng sẽ đóng tiền để nâng cấp chợ cũ lên cho khang trang theo đúng ý của huyện. Tuy nhiên, nguyện vọng, đề đạt này đã không được xem xét.
Tiểu thương Phạm Thị Mùi nói: “Vụ việc không hề bình thường, tôi không biết có gì vướng mắc giữa chính quyền với Công ty Sao Mai. Trước kêu chúng tôi đi, chúng tôi cũng đi đăng ký nhưng sau đó thấy có điều gì ấy nên chúng tôi ở lại. Qua bên đó chi phí rất nhiều, tôi tính ít nhất một tháng chi phí cả triệu bạc, chợ chật hẹp, đường đi có bi nhiêu này, di dời chúng tôi qua bên đó làm sao chúng tôi buôn bán được. Còn ở bên này, mặt đường 4m cơ nhưng cứ bảo là không có đường chữa cháy nhưng bên này còn rộng hơn bên đó nhiều, đường chật hẹp, xe đạp còn không có đường đi nữa thì làm sao chúng tôi buôn bán”.
Xung quanh việc di dời chợ thị trấn Tân Hiệp sang khu chợ của doanh nghiệp ở khu đô thị Sao Mai còn nhiều điều cần được làm rõ nhưng ngay cả ông Lê Văn Liệt, Phó phòng Công thương huyện Tân Hiệp cũng không giải thích được với phóng viên chúng tôi. Cụ thể là người dân đang thắc mắc: Cuối năm 2014, khi thông báo buộc bà con di dời chợ cũ thì vì sao đầu năm đó (tháng 4/2014), UBND thị trấn Tân Hiệp lại còn xây dựng nhà lồng tiền chế và kêu gọi bà con tiểu thương tự bỏ tiền làm vách ngăn, lót nền, làm cửa cho ki -ốt của mình.
Thậm chí, UBND thị trấn còn bán cả đường hẻm cho tiểu thương buôn bán?! Khi yêu cầu tiểu thương không thành, UBND huyện Tân Hiệp đã đưa khu chợ mới vào quy hoạch chợ và trình UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 22/6/2016. Từ đó vịn vào văn bản này để ra quyết định đình chỉ, di dời chợ. Bà con cũng đặt câu hỏi: Vì sao lực lượng công an lại “hăng hái” tham gia vào một vụ việc mà lẽ ra là nhiệm vụ của chính quyền, của các ban, ngành, đoàn thể địa phương? Đáng nói hơn, huyện dự kiến chi hơn 460 triệu đồng để thưởng cho tiểu thương nào gương mẫu tự giác di dời nhưng tiền này do… nhà đầu tư lo.
Theo kế hoạch đã ban hành, ngày 20/9 ngưng cung cấp điện ở chợ cũ đồng thời tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ khu chợ. Rõ ràng việc xây cất chợ mới, với mong muốn tạo điều kiện về cơ sở vật chất để bà con tiểu thương buôn bán tốt hơn có thể là một chủ trương hay song với cách làm kể trên của UBND huyện Tân Hiệp đã không được bà con tiểu thương chấp thuận; khiến bà con gửi đơn đến nhiều nơi để cầu cứu. Điều này rất cần được UBND huyện Tân Hiệp và các ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang xem xét, cân nhắc trước khi quyết định./.