Việt Nam được đánh giá là đất nước có nguồn lao động dồi dào với hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là lợi thế để phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi thế này chưa được phát huy hiệu quả. Thị trường lao động đang mất cân đối cung cầu, chất lượng lao động thấp, việc làm không bền vững…

lao-dong.jpg

Cần làm tốt công tác dự báo để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu xã hội

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm quốc gia Dự báo và thông tin thị trường lao động: Thông tin dự báo giúp xây dựng các chính sách có tính khả thi

Việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020. Nhiều ngành hiện có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng lại có xu hướng giảm vào năm 2015, gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, đến năm 2015 có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Tuy nhiên, những ngành này lại giảm mạnh - khoảng 50% việc làm, vào năm 2020. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm - từ 1,2% lên 2,3%. (Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2010 của Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động)

PV:Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về thị trường lao động của Việt Nam trong 10 năm qua?

Bà Nguyễn Thị Hải Vân:Trong 10 năm qua, thị trường lao động của Việt Nam ngày càng phát triển với quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng. Năm 2001, lực lượng lao động Việt Nam là 40 triệu người, đến năm 2010 đã lên tới trên 50 triệu, tốc độ tăng khoảng 2,6 - 2,7%/ năm. Chất lượng lao động ngày một nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt trên 40%, kể cả lao động qua truyền nghề và lao động có chứng chỉ, bằng cấp.

Trong giai đoạn 2001-2010, năng suất lao động được cải thiện hơn trước, tăng gần 4%/năm. Quy mô lao động có việc làm ngày càng tăng. Năm 2001, số người có việc làm khoảng 39 triệu người, năm 2010 tăng lên 49,1 triệu người. Lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng, trong khi đó lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm (năm 2001 là 64%, hiện nay 48,2%).

PV:Hiện có tình trạng, địa phương thừa lao động nhưng nhà máy lại phải tìm nhân lực ở địa phương khác. Các trường nghề hằng năm đào tạo không ít lao động nhưng tỉ lệ “trúng ý” thị trường không cao, doanh nghiệp tuyển lao động vào vẫn phải đào tạo lại. Theo bà, sự bất cập giữa cung - cầu lao động là do đâu?

Bà Nguyễn Thị Hải Vân:Nguyên nhân cơ bản là bởi chất lượng lao động qua đào tạo của chúng ta còn thấp. Trình độ chuyên môn, kỹ năng, thể lực của người lao động chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Học sinh và nhà trường đang học theo sở thích chứ chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động. Các ngành nghề đào tạo đang mất cân đối, có ngành nghề quá dư thừa lao động trong khi có ngành nghề lại khan hiếm lao động.

PV:Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, để cân bằng cung cầu lao động phải làm tốt thông tin dự báo thị trường lao động. ở nước ta, công tác này làm chưa được tốt đúng không thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hải Vân:Thị trường lao động Việt Nam đã phát triển nhưng lại chưa có hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối một cách đồng bộ để có thể bao quát tất cả cung cầu lao động, đặc biệt là cầu lao động.

Giai đoạn 2006-2010, các trung tâm giới thiệu việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2,9 triệu người, dạy nghề cho 2,1 triệu người. Đến nay, cả nước có 44 sàn giao dịch việc làm đang hoạt động. Để tăng tính kết nối giữa các sàn và nâng cao hiệu quả của sàn giao dịch việc làm, tương lai sẽ hướng tới mô hình sàn giao dịch việc làm toàn quốc. (Nguồn: Cục Việc làm)

Trước năm 2010, công tác dự báo bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng dự báo không đáp ứng yêu cầu. Các dự báo mới ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, thiếu tầm vi mô, tầm địa phương. Số liệu dự báo chưa đáng tin cậy. Vì vậy, công tác dự báo chưa được lấy làm cơ sở để đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường.

Để dự báo thị trường lao động tốt cần 3 yếu tố: thứ nhất phải có thông tin đầu vào; thứ hai phải có mô hình dự báo khả thi được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại; thứ ba phải có đội ngũ cán bộ phân tích dự báo có năng lực, trình độ.

PV:Tháng 10/2008, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động. Sự ra đời của Trung tâm có giúp công tác dự báo thông tin về thị trường lao động được cải thiện?

Bà Nguyễn Thị Hải Vân:Sau hai tháng ra đời, tháng 12/2008, Trung tâm đã cho ra mắt Cổng thông tin về lao động việc làm. Từ đó, thông tin về thị trường lao động được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục. Người lao động, người sử dụng lao động, các nhà quản lý, cơ sở đào tạo được tiếp cận thông tin lao động ngày càng có chất lượng, từ đó dễ tìm được tiếng nói chung. Các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý đã sử dụng thông tin của trung tâm để đề xuất xây dựng các chính sách về lao động có tính khả thi.

Xin cảm ơn bà!./.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Đào tạo những ngành nghề mà tỉnh đang cần

Tỉnh Cà Mau căn cứ vào thông tin dự báo thị trường lao động để đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đào tạo những ngành nghề mà tỉnh đang cần để người lao động ra trường tự tìm được việc làm trong các DN và tỉnh cũng dễ dàng bố trí được số lao động này phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

Về đào tạo nguồn nhân lực sau đại học ở nước ngoài, tỉnh đang thực hiện đề án đào tạo 20 tiến sĩ, 100 thạc sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách của tỉnh, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực tỉnh đang thiếu nhân lực có trình độ cao. Những người được cử đi phải qua xét tuyển rất gắt gao và cam kết về làm việc cho tỉnh.

Dựa trên dự báo thông tin về tình hình lao động trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau đang xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Thành Hoàng, Hiệu trưởng trường trung cấp nghề tỉnh Hưng Yên:Làm tốt công tác dự báo cho công tác tuyển sinh

Hưng Yên có hơn 3.000 DN lớn và nhỏ. Số lao động trên địa bản tỉnh cần nhiều nhưng số học sinh đăng ký học nghề còn ít. Học sinh vẫn có tâm lý chỉ thích học đại học không thích học nghề. Chúng tôi mong muốn Bộ LĐ-TB&XH làm tốt công tác dự báo thị trường lao động để các trường tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, tránh lãng phí trong công tác đào tạo.

TS. Phạm Văn  Sơn, Giám đốc TT Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD- ĐT:Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội

Việc quy hoạch và mở ngành đào tạo cần phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực. Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung - cầu nhân lực ngày càng mất cân đối.

Để có đội ngũ nhân lực qua đào tạo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chúng ta phải đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động. Dựa trên kết quả dự báo để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Làm được như vậy sẽ góp phần “Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội”, vì sự phát triển nhanh và bền vững của các tổ chức, doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.

Để làm tốt công tác dự báo, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng của các bộ, tỉnh/TP đẩy mạnh công tác thống kê và dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức, cá nhân về đào tạo, nhân lực, việc làm trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT, các nhà trường thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chọn nghề, chọn trường theo “phong trào”, sở thích riêng mà quên định hướng phát triển nhân lực chung của đất nước, địa phương.