Chiều 9/5, lửa đã thiêu trụi ngôi nhà Rông truyền thống của dân tộc Banar ở làng KonKlor, thuộc phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Đêm 9/5 trên 500 người dân làng KonKlor đã thức trắng. Để làm được ngôi nhà Rông truyền thống dân tộc Ba Na cao 18m, diện tích sàn sử dụng gần 100m2 này, năm 2000, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân trong làng đã bỏ ra hàng nghìn ngày công lao động; đi bộ hàng chục cây số để lấy được những cây nứa đẹp nhất, cắt được những vạt tranh tốt nhất, chọn được những cây xà thẳng, dài cả chục mét không một tì vết về dựng nhà Rông.
Tính sơ bộ, ngôi nhà Rông này có giá trị về vật chất hàng trăm triệu đồng, còn về tinh thần, đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp văn hóa truyền thống của thành phố Kon Tum và tỉnh Kon Tum.
Nhà Rông của đồng bào Ba Na trước khi bị cháy |
Đau xót nhất trước những thiệt hại của vụ cháy này là bà con dân tộc Ba Na ở làng Kon Klor. Già làng A Píck bày tỏ: “Cháy nhà Rông thế này bà con, dân làng rất buồn, không khác gì người ta đốt trái tim của mình, bởi vì sức dân làng, sức thôn tập trung hết trong nhà Rông. Vì nhà Rông là nhà văn hóa, truyền thống. Hội họp phải có cái nhà Rông, học tập cũng phải có nhà Rông, lễ hội cũng phải dùng nhà Rông”.
Tính đến nay, trên 500 trong tổng số 736 làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum đã có nhà Rông truyền thống làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhà Rông mái dốc đứng, chủ yếu làm từ gỗ, tranh, tre, nứa nên nguy cơ xảy cháy rất cao, đặc biệt trong những thời điểm khô hanh nắng nóng.
Trong những năm qua, ở Kon Tum đã xảy ra một số vụ cháy nhà Rông đáng tiếc, như vụ cháy nhà Rông làng Kon Jơ Ri xã Đắc Rơ Va, thành phố Kon Tum; nhà Rông làng Kon Zôn, xã Ngọc Réo, huyện Đắc Hà; nhà Rông làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi.
Lửa không chỉ thiêu trụi nhà Rông, mà còn cướp đi hàng trăm hiện vật truyền thống và lịch sử được trưng bày tại đó. Nguyên nhân gây cháy nhà Rông chủ yếu do con người. Ban tự quản thôn và chính quyền các xã, phường có nhà Rông cũng nhắc nhở người dân phòng cháy, song tất cả chỉ trông chờ vào sự tự giác của mọi người.
Đến nay ở tỉnh Kon Tum, chưa có một thôn làng nào có nhà Rông xây dựng được quy chế phòng cháy chữa cháy cụ thể. Bởi vậy, nguy cơ xảy ra cháy nhà Rông vì thế vẫn rất cao./.