Tại buổi đối thoại giữa người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và chính quyền xã Hồng Kỳ về việc người dân chặn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn diễn ra chiều 26/10, nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc khi phải chịu tình cảnh ô nhiễm của bãi rác thải trong suốt 21 năm qua.
Ông Ngô Văn Quý, người dân xóm Hòa Bình, thôn 2, xã Hồng Kỳ nêu ý kiến: “Chúng tôi là người dân cũng chịu khổ bao năm nay vì bao nhiêu điều thành phố hứa với dân nhưng chưa làm được. Chúng tôi bây giờ không biết tin tưởng, bấu víu vào ai. Chúng tôi mong các lãnh đạo mới lên hãy đối thoại trực tiếp với người dân và có lời hứa, thực hiện lời hứa với người dân”.
Không chặn xe, không gặp được lãnh đạo
Còn theo bà Hoàng Thị Mai, đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 người dân chặn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, song đây là việc mà người dân buộc phải làm.
“Chúng tôi rất chia sẻ với thành phố nhưng lại rất bức xúc vì những lãnh đạo không giữ lời hứa. Chúng tôi cũng không phải là trẻ con để nay chặn, mai chặn xe rác. Chúng tôi hiểu việc chặn xe thế này cũng là vi phạm pháp luật, nhưng là người dân thấp cổ bé họng. Không chặn xe, chúng tôi không gặp được lãnh đạo để kêu cứu”, bà Mai bức xúc.
Bà Mai cũng mong muốn cơ quan chức năng xem xét lại cách tính toán đền bù cho người dân, bởi nếu thực hiện đền bù với giá 866.000 đồng/m2 đối với đất thổ cư và 78.000 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm, thì người dân không đủ khả năng để tiếp tục duy trì cuộc sống sau khi chuyển về nơi tái định cư.
“Cứ 10m2 đất trồng cây lâu năm của chúng tôi mới đổi được 1m2 đất tái định cư. Nếu đền bù như vậy thì mua được đất cũng không đủ tiền làm nhà, chưa nói lấy gì để sản xuất, sinh sống”, bà Mai nói.
Không chỉ khúc mắc về giá đất đền bù, việc không khớp số liệu giữa sổ đỏ người dân được cấp với dữ liệu lưu trữ của chính quyền cấp xã, cấp huyện, vừa gây bức xúc trong dân, khiến đội ngũ cán bộ xã mới được bổ nhiệm “khó bề xoay sở”.
Một diện tích đất có nhiều giấy tờ kê khai khác nhau
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cho biết, ban lãnh đạo của xã vừa ra mắt chính thức khoảng 1 tháng nay, với 7 ngày bàn giao khối lượng công việc thì không thể kịp xác minh toàn bộ diện tích đất của các hộ dân trong diện tái định cư.
“Dù hết sức nỗ lực, chúng tôi mới làm được khoảng 30% số lượng giấy tờ đất. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là diện tích đất trên sổ đỏ không khớp với diện tích sử dụng và cũng không đúng với giấy tờ lưu trữ về diện tích giao đất. Ngay trên một diện tích đất đã có nhiều giấy tờ kê khai khác nhau. Nhiều hộ dân, diện tích đất ở thực chất vẫn chỉ là diện tích trồng cây lâu năm…”, ông Hải lý giải.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 2 nêu kiến nghị: “Có gia đình trên sổ hàng nghìn mét đất mà trong sổ lưu trữ của huyện chỉ có 400m. Công văn của thành phố đã nói rồi. Nếu sai phải xử lý cán bộ, thế nhưng hơn 1 năm nay, các đồng chí đã xử lý được ai? Nếu các đồng chí xử lý nghiêm khắc mấy ông làm sai đó, dân họ mới tin”.
Cùng với đó, hầu hết người dân đều mong muốn được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố Hà Nội, bởi với những khúc mắc của người dân, lãnh đạo cấp huyện, cấp xã không đủ thẩm quyền để giải quyết.
Chính quyền địa phương tập hợp tiếp thu đầy đủ chính xác ý kiến người dân
Thừa nhận việc hạn chế thẩm quyền, không thể giải quyết các khúc mắc của bà con, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cho biết: “Thẩm quyền của chúng tôi là tiếp thu, tập hợp và chuyển tải trung thành, chân thực ý kiến của bà con lên huyện, lên thành phố thông qua văn bản”.
“Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo sau khi tổng hợp ý kiến cụ thể rõ ràng, thành phố sẽ cho tổ công tác gặp bà con để đối thoại trực tiếp, giải quyết cho bà con”, ông Hải cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ - Trần Ngọc Hà thông tin: “Trong chiều 26/10, chúng tôi đã có buổi đối thoại với người dân, đa phần ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề quá tải dẫn đến ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác Nam Sơn. Giá tiền đền bù cho người dân và những vướng mắc ở khu vực tái định cư. Những ý kiến của người dân được chúng tôi ghi nhận và đề xuất lên cấp trên theo thẩm quyền để có phương án giải quyết. Sau khi đối thoại, đa phần người dân đã nhất trí tạm thời tháo dỡ lều thông xe vào khu xử lý bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên, khi dỡ bỏ lều bạt và thông xe vẫn còn một số người dân phản đối”./.