Xuất thân gian khó

Một buổi sáng cuối tháng 6, men theo con hẻm nhỏ của tổ văn hóa số 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tìm đến nhà của cậu học trò có biệt danh “Phong rô bốt”.

phong.jpg

Thủy Ngọc Phong (trái) với chứng nhận thành tích trong nghiên cứu khoa học

Qua lời kể của bà con chòm xóm, chúng tôi hiểu được phần nào hoàn cảnh gia đình Thủy Ngọc Phong. So với các gia đình khác, gia đình Phong thuộc diện nghèo của xóm. Ba làm nghề nông, còn má phải hàng ngày thức khuya, dậy sớm buôn thúng, bán bưng ngoài chợ. Mặc dù hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, chật vật nhưng Phong vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập, làm nguồn động viên tinh thần to lớn cho ba má, và là tấm gương cho lớp trẻ trong xóm noi theo.

Phong chia sẻ: “Em rất thương ba má phải hàng ngày lo cho 2 anh em ăn học. Vất vả là thế nhưng chưa khi nào em thấy ba má than phiền. Về nhà, ba má vẫn vui cười như để 2 anh em khỏi lo lắng, nhưng em biết, đằng sau tiếng cười vui ấy là đôi vai chai sần, là những vết nhăn trên vầng trán. Ba má chỉ hy vọng 2 anh em được ăn học thành tài”.

Hoàn cảnh gia đình là thế, nhưng ba má Phong vẫn cho 2 anh em ăn học đến nơi đến chốn. Anh trai Phong đã tốt nghiệp Cao đẳng và đang đi làm. Mọi nỗ lực, ba má đang dồn hết cho cậu con trai út - Thủy Ngọc Phong.

Những ước mơ khoa học

Với niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học từ nhỏ, khi đến tuổi đi học, Phong có nhiều điều kiện để thoả nguyện đam mê này. Trong những năm học phổ thông, Phong đã giành nhiều giải thưởng khoa học, sáng tạo từ địa phương đến Trung ương và cả quốc tế. Năm 2009, Phong đã giành giải khuyến khích sáng tạo trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức với mô hình rôbốt chống trộm và rôbốt xây dựng. Một năm sau đó, Phong tiếp tục giành giải Nhì sáng tạo trẻ toàn quốc với mô hình rôbốt xe lăn leo cầu thang cho người khuyết tật. Mô hình xe lăn leo cầu thang này của Phong cũng vinh dự giành Huy chương Bạc trong cuộc thi sáng tạo trẻ châu Á lần thứ 7.

Chia sẻ về những thành công, nhất là mô hình rôbốt xe lăn leo cầu thang cho người khuyết tật, Phong tâm sự: “Rất tình cờ, trong một buổi giao lưu với các bạn khuyết tật của Trung tâm khuyết tật tỉnh Quảng Nam, nhìn thấy những khó khăn, vất vả của các bạn khuyết tật khi di chuyển, em cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ các bạn. Mô hình xe lăn leo cầu thang cho người khuyết tật đã ra đời sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu”.

Tất nhiên, những thành công của Phong mới chỉ là những bước chân chập chững trên con đường nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Để có được những bước tiến trên con đường này, ngoài sự ủng hộ của gia đình, sự cổ vũ, động viên của bạn bè, thầy cô và bà con chòm xóm là một động lực tinh thần to lớn để Phong vững tin, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Tham dự kỳ thi Đại học, Cao đẳng vừa qua, Phong hy vọng, mình sẽ đỗ vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM để có thêm nhiều điều kiện tiếp tục hoàn thành những ý tưởng khoa học còn ấp ủ.

Từ cậu học trò nhà nông đến một “nhà khoa học trẻ” là cả một quá trình phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ với biết bao khó khăn. Vẫn biết con đường đến với khoa học không phải dễ dàng nhưng Thủy Ngọc Phong vẫn luôn vững tin vào những gì mình đã chọn./.