Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động TBXH nói: “Tôi nói vui nhưng mà thật rằng, nếu có ai trong Bộ Lao động hay bạn bè tôi mà có lời nhờ tôi “tác động” giúp cho con, em, cháu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc, thì tôi cũng chịu. Mọi khâu trong quy trình kiểm tra tiếng Hàn, lựa chọn hồ sơ đều do phía Hàn Quốc thực hiện, không ai có thể can thiệp vào”.

ong-quynh.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước

Theo ông Quỳnh, chương trình cấp phép đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc (Chương trình EPS) do hai chính phủ ký kết trên tinh thần phi lợi nhuận, nên việc đưa lao động đi làm việc không qua qua bất cứ một doanh nghiệp XKLĐ nào: “Không có doanh nghiệp nào được tham gia vào quy trình tuyển chọn và đưa lao động sang Hàn Quốc. Chỉ có những cơ quan dịch vụ công, như ở đây là Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động TBXH là đơn vị tiếp nhận hồ sơ dự tuyển và chuyển sang Cơ quan lao động Hàn Quốc thôi”- Ông Quỳnh khẳng định.

Quy trình tuyển dụng lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS được thực hiện hết sức chặt chẽ. Người lao động phải tham dự và vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức theo sự uỷ quyền của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Chỉ những người đã đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Số lượng người được làm hồ sơ dự tuyển gửi sang Hàn Quốc sẽ được lựa chọn theo nguyên tắc lấy điểm từ trên xuống theo từng ngành cho đến khi đủ số lượng trong số những người đạt từ 80/200 điểm trở lên.

Đề kiểm tra tiếng Hàn được phía Hàn Quốc đưa sang và trong quá trình thi được bảo mật tuyệt đối. Bài làm của người lao động được mang về Hàn Quốc chấm bằng máy. Sau đó, nếu đủ điểu kiện nộp hồ sơ dự tuyển, hồ sơ của người lao động được đưa lên mạng và gửi về cho chủ sử dụng lao động lựa chọn. Việc lựa chọn này hoàn toàn do chủ sử dụng thực hiện, mà Chính phủ Hàn Quốc cũng chủ trương không can thiệp.

PV Đài TNVN hỏi chuyện lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

Theo lệ thường, khoảng 1/3 số lao động có hồ sơ dự tuyển sẽ được chọn đưa sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, chủ sử dụng lao động người Hàn Quốc rất thích lao động Việt Nam, nên tỷ lệ lao động được lựa chọn lên đến 80-85% số hồ sơ dự tuyển. Ông Quỳnh cho biết: Có những kẻ tự xưng là có thể “giúp” đưa lao động đi Hàn Quốc, và thu tiền “môi giới” lên đến vài ngàn USD của người lao động, nếu không được đi sẽ trả lại tiền. Như vậy, nếu họ thu tiền của 10 người, trong đó 8 người được đi, và họ phải trả lại tiền cho 2 người thì vẫn lãi to. 

Người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao do có sự tương đồng về văn hoá, nhanh nhẹn, sáng ý, dễ thích nghi với công việc

Chính vì chủ sử dụng lao động Hàn Quốc chuộng lao động Việt Nam, nên tính từ năm 2006 đến hết tháng 8/2011, Việt Nam đã đưa được 63.270 lao động sang Hàn Quốc làm việc, tỷ lệ cao nhất trong số 15 nước ký chương trình EPS với chính phủ Hàn Quốc.

Năm 2012 Hàn Quốc dành 15.000 chỉ tiêu hồ sơ dự tuyển cho Việt Nam (gồm các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp). Trong cuộc họp báo mới đây công bố thông tin về Kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 vào tháng 12/2011, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định “Quy trình kiểm tra, tuyển chọn rất chặt chẽ nên không một cá nhân hay doanh nghiệp nào có thể “tác động” để thay đổi kết quả kiểm tra cũng như kết quả hồ sơ được tuyển dụng. Vì thế, người lao động phải hết sức cảnh giác trước các “chiêu” móc túi của “cò” XKLĐ”./.