Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, với chức trách của mình, Cục đã tìm hiểu thông tin làm việc với các đơn vị liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích của cháu bé. Cho rằng, những sự việc trẻ em bị bạo hành hoặc nghi có dấu hiệu bạo hành, người chăm sóc trẻ và gia đình, người thân, những người sống bên cạnh đều biết nhưng phần lớn không báo với cơ quan chức năng.
Đặc biệt, nhiều không người dân biết hoặc biết nhưng chưa gọi đến Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, can thiệp từ khi sự việc có nguy cơ. Vụ việc tại TP.HCM cho thấy, còn có sự thờ ơ của người dân, lo bị trả thù hoặc không muốn liên lụy. Khi đứa trẻ không còn nữa thì chúng ta có làm bất cứ việc gì cho đứa trẻ cũng không còn ý nghĩa.
“Những vụ việc bạo hành trong gia đình mà kéo dài thời gian, chỉ có người trong gia đình lên tiếng thì chính quyền địa phương và các tổ chức mới can thiệp được. Nếu không lên tiếng thì sau mỗi cánh cửa không ai biết được. Vấn đề nữa là muốn phòng ngừa thì phải tăng cường mạng lưới xã hội, tăng cường hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Luật có rồi, Nghị quyết Quốc hội có rồi, vấn đề bây giờ là các cấp, địa phương có bố trí nguồn lực không? Phía chính quyền địa phương phải bố trí người, hình thành hệ thống dịch vụ, bố trí người ở cấp xã theo quy định Luật Trẻ em, bố trí kinh phí cho mạng lưới xã hội truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân. Tất cả các câu chuyện xảy ra đều có chữ “giá như”, nếu phát hiện sớm đã không đến mức như thế”, ông Đặng Hoa Nam cho hay.
Theo bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), bạo lực luôn có xu hướng leo thang và trở thành thói quen. Nếu chúng ta thấy hành động trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ nhỏ có xu hướng nghiêm trọng hoặc có thể là hành vi lặp lại, để ngăn chặn bạo lực tiếp diễn trong tương lai, hãy thông báo ngay tới các cơ quan chức năng và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Ngoài việc người dân lên tiếng, các địa phương cần nâng cấp hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở.
“Những vụ việc chúng ta biết được đều là những vụ việc nghiêm trọng. Không thể chỉ có Cục Trẻ em hay đường dây nóng Quốc gia 111 có thể giải quyết được. Chúng ta phải có hệ thống bảo vệ trẻ em, phải có nguồn nhân lực ở 11 nghìn xã, được đào tạo, có trách nhiệm giải trình cao, có trách nhiệm rõ ràng để có thể phát hiện kịp thời và phối kết hợp với các tuyến cao hơn như tuyến huyện, tuyến tỉnh, Cục Trẻ em và các cơ quan Trung ương để giải quyết”, bà Lê Hồng Loan nói./.