Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trung bình của thành phố tăng đều hàng năm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gia tăng các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cảm cúm.
Bên cạnh đó, mực nước sông Hậu ở khu vực TP. Cần Thơ cũng gia tăng theo từng năm. Cụ thể, trong hơn 30 năm mực nước tăng hơn 50cm. Đặc biệt, trong năm 2013 không có lũ, nhưng mực nước cao nhất tăng lên 2,15m. 97% diện tích của thành phố thuộc vùng đất thấp dưới 1,5m nên dễ bị ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, TP. Cần Thơ chủ động triển khai thực hiện các chính sách pháp luật phòng, chống biến đổi khí hậu như: chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020; đề án quản lý phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Từ đó, Cần Thơ đã ban hành các chính sách, kế hoạch như: quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố; đồ án phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà thành phố Cần Thơ đã thực hiện trong thời gian qua về việc ban hành, triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề nghị thành phố Cần Thơ đề xuất những vấn đề mang tầm quốc gia với tư cách là đầu tàu của vùng ĐBSCL hiện nay trong vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Phan Xuân Dũng cho biết: “Biến đổi khí hậu là vấn đề lâu dài, rất phức tạp nhưng đặc biệt thời gian gần đây diễn ra vô cùng khốc liệt. Qua đợt giám sát này, chúng tôi nhận thấy, biến đổi khí hậu ở một số tỉnh ĐBSCL khác nhau và phải có cách ứng phó khác nhau”./.