Do lượng xe tải trọng lớn tăng cao nên tình trạng mất ATGT tại thành phố Hải Phòng diễn ra khá phức tạp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSGT Công an thành phố Hải Phòng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý trên 7.500 xe đầu kéo, xe container vi phạm, phạt tiền gần 5 tỷ đồng. Các lỗi mà các loại phương tiện này vi phạm chủ yếu là đỗ dừng sai quy định, lỗi an toàn kỹ thuật và chở quá tải. Vậy làm thế nào để có thể quản lý nghiêm thực trạng này?

vov_giam_sat_1_wxjf.jpg
Lực lượng CSGT xử lý nghiêm các trường hợp xe tải trọng lớn vi phạm.

Hải Phòng hiện có trên 15.000 xe đầu kéo, xe tải trọng lớn, số lượng xe này chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Để quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện vận tải, hơn hai năm qua, theo quy định bắt buộc, tất cả các xe vận tải đều phải lắp đặt hệ thống giám sát hành trình để các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát. Hàng tháng, Cục đường bộ Việt Nam gửi báo cáo phương tiện vi phạm tới Sở GTVT ở các địa phương. Sau đó Sở GTVT sẽ gửi thông báo tới từng doanh nghiệp để nhắc nhở, vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần sẽ ra văn bản đình chỉ hoạt động phương tiện theo quy định.

Ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT thành phố Hải Phòng cho biết việc lắp thiết bị giám sát hành trình là rất thiết thực với ATGT, giúp ích trong công tác quản lý nhà nước, cho lái xe, doanh nghiệp.

Qua hệ thống giám sát hành trình, từ đầu năm đến nay Sở GTVT thành phố Hải Phòng đã ra văn bản nhắc nhở gần 1.300 doanh nghiệp vận tải, với gần 2.000 xe vi phạm, xử lý thu hồi phù hiệu vận tải 250 xe.

Ông Hoàng Tiến Nam, Chánh Thanh tra, Sở GTVT thành phố Hải Phòng cho biết: "Thời đại 4.0 chỉ cần ngồi nhà cũng giám sát được hoạt động các phương tiện vận tải. Việc xử lý như vậy, doanh nghiệp cũng rất hợp tác. Qua xử lý có tính răn đe cao, lái xe cũng hợp tác hơn".

Việc xử lý doanh nghiệp, xe vi phạm qua hệ thống giám sát hành trình đem lại hiệu quả cao cho công tác quản lý xe tải trọng lớn. Tuy nhiên, do hình thức quản lý vận tải qua hệ thống giám sát như hiện nay, hàng tháng Cục đường bộ Việt Nam thống kê gửi thông báo tới các Sở GTVT, nên việc xử lý mới chỉ mang hình thức nhắc nhở, xử phạt “nguội” là chính. Về phía các doanh nghiệp vận tải rất ủng hộ việc xử lý nghiêm vi phạm qua hệ thống giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, một doanh nghiệp vận tải cho biết, hệ thống giám sát hành trình là rất tốt, giúp doanh nghiệp nắm bắt được hoạt động của lái xe, bảo toàn được tài sản, phương tiện của mình: "Xử phạt nguội cũng có vấn đề, lái xe chỉ làm hợp đồng vài tháng, nếu một vài tháng mới gửi thông báo đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới biết. Tước phù hiệu do lỗi lái xe vi phạm, nhưng lúc đó lái xe đã nghỉ, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt, như vậy cũng rất thiệt thòi". 

Vào những dịp cao điểm, đặc biệt là cuối năm, khi nhu cầu vận tải hàng hóa, vận tải hành khách tăng cao, nhiều doanh nghiệp thường tăng chuyến, chở quá tải. Nếu xử lý qua hệ thống giám sát hành trình như hiện nay sẽ không kịp thời ngăn chặn vi phạm. Trên thực tế, nhiều vi phạm về trật tự an toàn giao thông nếu xử lý kịp thời sẽ tránh được hậu quả nghiêm trọng.

Trung tá Vũ Trường Linh, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Phòng CSGT Công an thành phố Hải Phòng cho rằng, việc xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát hành trình mới chỉ được giao cho ngành giao thông vận tải quản lý. Nên có sự phối hợp giữa  ngành công an và giao thông vận tải thì sẽ nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý, xử lý vi phạm.

"Quy định về giám sát hành trình do Sở GTVT quản lý vấn đề hành lang pháp lý. Chúng tôi cũng rất cần hệ thống văn bản pháp luật để có thể căn cứ phối hợp, xử lý. Tất cả căn cứ để CSGT xử lý hiện nay đều theo Nghị định 165 do vậy cần sự hướng dẫn cụ thể để khi xử lý tránh được khiếu nại", ông Linh cho biết.

Thời gian tới, việc phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý, xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát hành trình đang cần sớm có văn bản hướng dẫn, qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông./.