“Cần luật hóa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản”- đây là ý kiến của nhiều đại biểu dự hội nghị về việc thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức sáng nay (27/8), tại Hà Nội.

suc_khoe_sinh_san_1_feyl.jpg
Hội nghị về việc thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên

Tại nước ta, người vị thành niên và thanh niên (từ 10 - 30 tuổi) chiếm gần 40% dân số. Mặc dù có nhiều cơ hội phát triển, song thế hệ trẻ hiện đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có nguy cơ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, gây ra nhiều hệ lụy kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Bên cạnh đó, nhận thức của vị thành niên, thanh niên về giới tính, tình dục an toàn và thực hiện phòng tránh thai rất thấp. Cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản còn thiếu; chất lượng dịch vụ tư vấn và can thiệp chăm sóc sức khỏe sinh sản chuyên biệt còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ này chưa được quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên. 

Tại hội nghị, bà Ritsu Nacken, Phó trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tốt cho thanh niên, song chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc thúc đẩy thực thi chính sách, nhất là ở các địa phương để đảm bảo thanh niên nhận được thông tin, dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục mà họ cần. Bên cạnh đó, tạo ra môi trường thuận lợi để họ đối thoại với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, để thanh niên có thể lao động sản xuất, chăm sóc con cái cũng như toàn tâm đóng góp cho cộng đồng.

Đa số đại biểu cho rằng, cần đưa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Làm thế nào để nâng cao tầm vóc người Việt Nam theo chiến lược của chúng ta hiện nay thì phải được quy định rõ. Nếu không quy định được trong luật thì phải quy định ở các Nghị định dưới luật vì thời gian này Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang chỉnh sửa để năm tới trình Quốc hội. Vì vậy, chúng tôi mong rằng các điều khoản, vấn đề được quy định trong pháp luật, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội được quy định trong luật thì vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên và thanh niên trong tương lai mới được chăm sóc, đảm bảo tốt hơn”./.