Sáng 29/6, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7), đại diện Bộ Y tế đánh giá việc triển khai bảo hiểm y tế còn gặp một số khó khăn.

Thủ tục tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn rườm rà

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2015, số người tham gia bảo hiểm y tế ước tính khoảng 64,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số, tăng 2,7 triệu người so với tháng 5/2014. Trong số này, nhóm người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tăng 227.000 thẻ, tương đương 3%. Nhóm đối tượng bị sụt giảm thuộc diện do ngân sách nhà nước đóng (giảm trên 900.000 thẻ) và nhóm đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên… do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng (giảm khoảng 478.000 thẻ).

 Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2015, nước ta phải đạt tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế là 75% và tăng lên 80% vào năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Y tế đã tổ chức 4 đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung tại 13 tỉnh, thành và đã phát hiện nhiều khó khăn vướng mắc. Đó là nhiều tỉnh, thành chưa đưa chỉ tiêu phát triển và tỷ lệ bao phủ là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm.

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ  Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết: “Thủ tục tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình trong giai đoạn đầu vẫn tạo nên sự phiền hà, ảnh hưởng đến việc tham gia. Có một số địa phương có sự sụt giảm số lượng người tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình, khoảng 10% như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Nhiều người dân, kể cả cán bộ xã phường vẫn chưa biết thủ tục tham gia như thế nào”./.