Chiều 28/5, tại Hà Nội, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội thảo “Đề án 30 kinh nghiệm quốc tế về cải cách thể chế”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đề án 30 đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thành việc rà soát trên 5.500 thủ tục hành chính nhằm xây dựng những phương án tốt nhất, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, các bộ ngành Trung ương và địa phương phấn đấu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ, tương ứng với việc tiết kiệm 30.000 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Bài học thành công của đề án 30 đến thời điểm hiện tại có nhiều nét tương đồng với các thực tiễn tốt trong kinh nghiệm chung về cải cách thể chế của thế giới; đồng thời có những nét mới, sáng tạo như kinh nghiệm tăng cường giám sát, đôn đốc và hướng dẫn việc triển khai thực hiện; kinh nghiệm vận dụng các thực tiễn tốt của thế giới nhằm phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bài học quốc tế chúng ta có thể nghiên cứu tiếp thu nhằm nâng kết quả cải cách của Việt Nam lên một tầm cao mới”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính. Việt Nam đã tạo được cơ chế đối thoại và tham vấn cũng như có sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân, thể hiện sự hợp tác công - tư hiệu quả vì mục tiêu chung. Đó chính là tính mở, tính minh bạch của nền kinh tế Việt Nam. Bà Karen Hill, chuyên gia quốc tế về cải cách thể chế, nguyên Giám đốc Cơ quan Quy định Tốt hơn, Vương quốc Anh, người có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng, tư vấn cho nhiều Chính phủ trên thế giới trong công tác cải cách thể chế cho rằng, mục tiêu của cải cách thể chế là nhằm hoàn thiện nền kinh tế quốc dân và nâng cao khả năng ứng phó với thay đổi của nền kinh tế.

Bà Karen Hill chia sẻ: “Điều đầu tiên rất quan trọng là sự cảm kết, ủng hộ cao nhất của Chính phủ. Tiếp theo là phải có khung thiết chế, một bộ máy tổ chức cần thiết để thực hiện cải cách, ở Anh, chúng tôi có cơ quan quy định tốt hơn”.

Bà Karen Hill cũng cho rằng, cải cách thể chế và các công cụ của nó phải là một phần của kế hoạch hoạch định chính sách, hai vấn đề này không được tách rời./.