Mới đây, một học sinh lớp 5 tại huyện Nam Đàn, Nghệ An tử vong do chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ khi vừa sạc vừa học online. Trước đó, hồi đầu tháng 9, tại Hà Nội cũng xảy ra một sự cố tương tự, một học sinh lớp 5 phường Hạ Đình, Thanh Xuân bị điện giật tử vong khi học trực tuyến. Các vụ tai nạn thương tâm trong thời gian học trực tuyến khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Tranh thủ cuối tuần, Hà Nội vừa mở lại các dịch vụ, anh Phạm Công Minh (Long Biên, Hà Nội) lập tức đi sắm cho con một chiếc máy tính bảng mới thay thế chiếc điện thoại thông minh cũ pin đã yếu.

Gia đình anh Minh chỉ có một laptop, nhưng 2 con lại cùng học trực tuyến, có những buổi cả 2 cùng học một thời điểm, buộc một trong 2 phải dùng điện thoại để học trực tuyến. Chiếc điện thoại thông minh này đã được anh Minh mua từ khá lâu, đến nay thời gian sử dụng của pin rất yếu, chỉ sử dụng được khoảng 2 tiếng là sập nguồn, nhiều khi buổi học kéo dài, điện thoại hết pin, con gái anh vẫn phải vừa sạc qua sạc dự phòng vừa học.

“Ngay sau khi đọc được thông tin về các vụ tai nạn trên, tôi rất hoang mang, trong mùa dịch bệnh, công việc bất ổn, để sắm cho mỗi con một máy tính để học là điều không dễ với nhiều gia đình, nhưng để đảm bảo an toàn cho các con thì không thể chủ quan. Tôi cũng dặn dò con không được vừa sạc vừa sử dụng các thiết bị điện tủ như điện thoại, máy tính bảng hay thậm chí là cả laptop. Mong rằng học sinh Hà Nội sớm được đến trường học trực tiếp để các con được an toàn hơn và bố mẹ cũng vơi bớt những nỗi lo khi phải để con ở nhà học một mình”, anh Minh cho biết.

Cả 2 vợ chồng chị Nguyễn Phương Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) đều phải đi làm, trong khi đó, con trai chị học lớp 5 vẫn phải tự học trực tuyến tại nhà mà không có sự hỗ trợ của người lớn.

Không khỏi lo lắng trước những mối nguy hiểm quanh trẻ khi ở nhà một mình, chị Phương Anh cho biết, mới đây, vợ chồng chị đã phải lắp thêm camera tại nhà để theo dõi các hoạt động của con từ xa. Đặc biệt ở độ tuổi này, trẻ thường rất hiếu động, do đó việc hướng dẫn con kỹ lưỡng để tránh những tai nạn thương tích luôn được chị Phương Anh đặc biệt chú ý.

“Mỗi ngày trước khi đi làm, tôi đều sạc đầy các thiết bị như máy tính, điện thoại để con ở nhà học online. Hướng dẫn con không được dùng tay ướt, đi chân không để cắm các thiết bị điện, hay hướng dẫn con những vật dụng, chất liệu nào có thể dẫn điện và cách điện để con biết cách đề phòng. Đặc biệt, khi ở nhà một mình, con cũng sẽ phải tự ăn uống theo những gì mẹ đã chuẩn bị sẵn. Nên tôi cũng thường hướng dẫn con những thứ gì không được cho vào lò vi sóng để tránh phát nổ. Để con ở nhà một mình học online có lẽ không bố mẹ nào có thể yên tâm hoàn toàn. Ngoài việc dựa vào các thiết bị giám sát từ xa, tôi vẫn thường xuyên phải nhờ hàng xóm sang hỗ trợ và nhắc nhở con những lúc cần”, chị Phương Anh chia sẻ.

Ngay khi Hà Nội có thông tin học sinh tiếp tục học trực tuyến, lại nghe thêm những tin tức về các vụ tai nạn của trẻ nhỏ khi học tại nhà, chị Hoàng Thùy Linh (Quảng Ninh, Hà Nội) có con nhỏ đang học lớp 2 không khỏi bất an: “Bà nội về quê từ đầu tháng 7, sau đó vì dịch nên chưa thể quay lại Hà Nội, việc nghĩ cách vừa đi làm, vừa trông con mùa dịch khiến vợ chồng tôi nhiều ngày mất ăn mất ngủ. Từ khi hết giãn cách phải đi làm lại, hàng ngày vợ chồng tôi đều phải đưa con đến nơi làm việc để vừa làm vừa trông con. Dù có nhiều bất tiện nhưng không còn cách nào khác. Hà Nội vừa ban hành những quy định mới về chống dịch, gia đình tôi lập tức nhờ bà nội lên Hà Nội để hỗ trợ trông con”.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), chuyên gia về trẻ em cho rằng, theo nguyên tắc an toàn, trẻ dưới 8 tuổi không nên ở nhà một mình, với những độ tuổi lớn hơn cũng vẫn cần sự giám sát của người lớn. Trong điều kiện bình thường, tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ em tại nước ta đã khá cao. Trong bối cảnh học sinh học trực tuyến dài ngày, nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm không có người lớn ở bên cạnh, con phải tự sử dụng các thiết bị điện, thì vấn đề về đảm bảo an toàn cho trẻ càng cần được chú ý hơn bao giờ hết.

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi học trực tuyến, bố mẹ cần chú ý thường xuyên rà soát, kiểm tra tình trạng hoạt động, chất lượng của các thiết bị điện, điện tử mà con đang sử dụng. Bố mẹ nên sạc đầy pin, kiểm tra kỹ các thiết bị trước khi cho con học online. Bố mẹ cũng cần lưu ý con tránh trường hợp vừa sạc vừa học, đặc biệt với các thiết bị như điện thoại, ipad. Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên trang bị các loại ổ cắm chống giật, dò điện để tăng tính an toàn. 

“Phụ huynh phải quan sát và nhắc nhở con thường xuyên để trẻ hình thành các thói quen, nề nếp về đảm bảo an toàn cho bản thân. Trong các tiết học trực tuyến, thầy cô cũng cần nhắc nhở các con về cách học an toàn. Những thông tin này nên được thầy cô, cha mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ dễ ghi nhớ và hình thành các phản xạ tự nhiên. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong mùa dịch phụ thuộc rất nhiều vào sự cẩn trọng của bố mẹ và thầy cô cũng như những kỹ năng mà trẻ được hướng dẫn”, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh./.