Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới đó là: thay đổi tên gọi, cách thức với mục đích chính là xét tốt nghiệp cho học sinh. Các địa phương được giao toàn bộ trách nhiệm trong quá trình tổ chức kỳ thi, cơ sở giáo dục Đại học không tham gia coi thi, chấm thi.

Ngay từ cuối tháng 5, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng phương án sao in, vận chuyển đề thi, thu bài thi. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, từ 27/7 đến 10/8 sẽ cách ly 48 cán bộ làm công tác sao in đề, địa điểm do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh lựa chọn, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Quảng Nam đặc thù có nhiều huyện miền núi khó khăn nên Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan bảo vệ cơ sở vất chất, trang thiết bị, hỗ trợ 2,5 tỷ đồng giúp các huyện ôn tập thêm cho học sinh là người dân tộc thiểu số. Sở cũng xây dựng phương án quản lý việc đi lại, ăn, ở của học sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi.

vov_3_zous.jpg

Các em học sinh dân tộc thiểu số khu vực miền núi được tạo điều kiện ăn, ở, đi lại trong suốt kỳ thi.

Bà A Tiêng Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Năm nào ở Đông Giang cũng có mưa, giông, sét. Tuy nhiên, huyện đã có phương án chỉ đạo, thứ nhất đối với điện lực phải trực 24/24h trong những ngày thi để đảm bảo cho hệ thống điện. Phương án hai là chỉ đạo các trường chuẩn bị máy nổ công suất lớn đảm bảo có điện phục vụ trong thời gian thi".

Còn tại thành phố Đà Nẵng, năm nay có 10.500 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó bao gồm cả thí sinh tự do. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã bố trí 25 điểm thi với 437 phòng thi tại các trường THPT và THCS trên địa bàn. Công an thành phố tăng cường lực lượng chốt chặn tại các nút giao thông, cấm xe ben, xe tải hoạt động vào giờ thí sinh đến và rời các điểm thi. Ngành y tế tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hàng quán xung quanh các điểm thi.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở tiến hành rà soát cơ sở vật chất đặt tại điểm thi cũng như tập huấn toàn bộ đội ngũ giáo viên để điều động tham gia công tác coi thi, chấm thi theo đúng quy chế.

"Không được sự hỗ trợ từ các Trường Đại học trên địa bàn, chúng tôi buộc phải sử dụng hết nguồn nhân lực của khối THPT, sau đó nếu thiếu sẽ dùng nguồn nhân lực của bậc THCS. Hiện nay, qua nhiều năm, chúng tôi hạn chế sử dụng nguồn nhân lực của THCS. Lý do là giáo viên khối THCS thường không tham gia các kỳ thi nên những kỹ năng sử lý tình huống thi chưa được tốt, dễ dẫn đến những sai sót", ông Linh cho hay.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 12.570 thí sinh dự thi, được bố trí tại 35 điểm thi. Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị đẩy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất tại địa điểm đặt Ban chấm thi, Ban làm phách; bố trí đầy đủ camera ở khu vực chấm thi theo quy định.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở bố trí khu vực in sao đề thi độc lập với bên ngoài. Các phương tiện, thiết bị, vật tư đã được vận chuyển đến khu vực in sao đề thi.

"Về công tác tổ chức kì thi tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi quan tâm đặc biệt nhất là công tác nhân sao đề thi. Chúng tôi tổ chức một khu cách ly riêng biệt và cách ly theo ba vòng, đảm bảo độ an toàn, bảo mật cho đề thi. Quá trình tập huấn chúng tôi sẽ tăng cường trách nhiệm của người tập huấn cũng giống như trách nhiệm của người cán bộ coi thi để công tác coi thi đảm bảo an toàn nhất", ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 9 đến ngày 10-8. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi điểm thi trên toàn quốc sẽ có ít nhất 2 cán bộ giảng viên Đại học đến kiểm tra, giám sát; đồng thời lực lượng thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thành phố cũng sẽ trực tiếp tham gia kiểm tra toàn bộ quá trình chuẩn bị, các khâu tổ chức thi tại Hội đồng thi các địa phương trên cả nước./.