Dự báo, cơn bão số 5 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc bộ vào sáng mai (3/8). Hiện, các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động các phương án phòng chống bão, đồng thời tiến hành tiêu thoát nước đệm

Sáng nay, UBND Quảng Ninh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp  triển khai các phương án phòng chống bão.

tranh-bao.jpg
Hiện, các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động các phương án phòng chống bão (ảnh minh họa)

Ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết: hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ bị cấm ra khơi từ 10 giờ sáng 1/8, hơn 10.000 tàu thuyền đánh bắt gần bờ đã tìm nơi neo đậu an toàn. Hiện còn hơn 170 tàu đang đánh bắt ngoài khơi đã tìm được nơi neo đậu. Từ chiều nay (2/8), dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan. Cảng tàu khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tua tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão.

Đối với những hộ dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long và các hộ nuôi thủy sản lồng bè, việc sơ tán dân phải được thực hiện xong trước 8 giờ sáng ngày mai (3/8). Bên cạnh đó, phân công người túc trực 24/24 giờ trên hệ thống đê biển, rà soát tất cả các vị trí xung yếu, sẵn sàng vật tư, lực lượng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Ông Phạm Đình Hòa nói: “Từ 2 giờ chiều nay, tất cả các tàu du lịch và các tàu thuyền khác sẽ về nơi trú tránh. Việc sơ tán dân ở các làng chài, các lồng bè thì 8 giờ sáng mai việc sơ tán phải hoàn tất. Tất cả những người già, phụ nữ, trẻ em, chúng tôi yêu cầu phải lên những hang động gần nhất và đảm bảo an toàn. Số ở lại, chúng tôi yêu cầu phải là những thanh niên khỏe mạnh, bơi giỏi và phải có áo phao, thậm chí là 2-3 chiếc”.

Theo dự báo, cơn bão số 5 có thể đổ bộ trực tiếp vào huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, gây mưa lớn trên diện rộng. Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải thì cơn bão này có thể làm vỡ tuyến đê biển xung yếu, đe dọa tính mạng người dân ở thị trấn Cát Hải và huyện Hoàng Châu.

Trước diễn biến của cơn bão, huyện Cát Hải xác định, việc sơ tán dân được ưu tiên hàng đầu. Bắt đầu từ 1 giờ chiều nay, huyện sẽ tổ chức sơ tán gần 300 người dân ở những nơi nguy hiểm đến các điểm tránh trú an toàn. Việc sơ tán phải hoàn thành trước 18 giờ chiều nay. Ngoài ra, hơn 1.000 tàu, thuyền đánh bắt cá và tàu du lịch đã vào bến neo đậu tránh bão.

Ông Trung Nghĩa nhấn mạnh: “Nếu bão vào huyện Cát Hải cộng thêm triều cường thì rất nguy hiểm, vì mấy km đê biển xung yếu hiện không có khả năng chống chọi với bão biển nên phương án đầu tiên là phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng trọng yếu. Sẽ có 2 điểm đến, ai có người thân thì vào Hải Phòng, hai là sơ tán sang đảo Cát Bà, nơi sẽ không chịu ảnh hưởng của sóng gió. Mọi phương án đưa dân đi và đón dân về đã chuẩn bị xong”.

Theo ông Hà Kế Tấn, Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, đợt mưa kéo dài trong mấy ngày qua, đã làm một số diện tích lúa mùa tại các tỉnh như Hà Nam, Nam Định bị ngập úng. Đến nay, Công ty đã chỉ đạo các địa phương, các tổ vận hành máy bơm tiến hành tiêu rút nước đảm bảo theo quy trình.

Dự báo, bão số 5 sẽ gây mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vì vậy cùng với các địa phương, hiện nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà đang gấp rút lên phương án chủ động tiêu thoát nước đệm.

Ông Hà Kế Tấn cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi đang chủ động hoàn toàn, tập trung che chắn 100 tổ máy bơm, trường hợp khi bão vào mưa to có thể bị mất điện, sau khi có điện có thể bơm được ngay. Đối với các trạm bơm thường xuyên ứng trực 24/24  đảm bảo thường trực chống úng. Hiện nay điện áp chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu ngành điện thay đổi, đề nghị chất lượng điện, số lượng điện ở các trạm bơm phải đảm bảo”./.