Giải báo chí Quốc gia lần thứ 12 năm 2017, Đài TNVN có 7 tác phẩm đạt giải, trong đó có 2 giải A, 2 giải B , 2 giải C và 1 giải Khuyến khích. Các tác phẩm được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đánh giá cao bởi đã phản ánh được những vấn đề thời sự, được dư luận xã hội và người dân quan tâm.
Chọn góc tiếp cận nói lên tiếng nói của người dân
Chương trình tọa đàm trực tiếp “Tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị - Đổi mới trước hết bắt đầu từ cấp trên”của nhóm tác giả Đồng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Thị Hằng, Ban Thời sự (VOV1) được Hội đồng Giải lựa chọn là 1 trong 8 tác phẩm đạt giải A.
Chương trình tọa đàm trực tiếp “Tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị- Đổi mới trước hết bắt đầu từ cấp trên” của nhóm tác giả Ban Thời sự (VOV1) đạt Giải A. |
“Hơn một tháng, cả ekip trong đầu lúc nào cũng “ong ong” về nghị quyết đến nỗi về đến nhà, thậm chí đi ngủ, Nghị quyết vẫn lởn vởn trong đầu. Chúng tôi nghiên cứu, nghiền ngẫm kỹ càng nghị quyết, tìm hiểu những tài liệu tham khảo bởi mình phải thật sự hiểu mới có thể xây dựng kịch bản bám sát tinh thần của nghị quyết nhưng vẫn dễ hiểu, hấp dẫn với thính giả”, nhà báo Thu Hòa cho biết.
Qua số điện thoại đường dây nóng dành cho thính giả, nhóm tác giả lắng nghe ý kiến, chia sẻ của nhiều người dân về sự cồng kềnh, chồng chéo trong hệ thống chính trị của nước ta. Từ những ý kiến thẳng thắn của thính giả, nhóm tổng hợp lại để trao đổi với các vị khách mời. Để giải quyết câu chuyện cồng kềnh, chồng chéo trong hệ thống chính trị, cuộc tạo đàm xoay quanh câu hỏi: Tinh giản biên chế bắt đầu từ đâu?
“Tôi ấn tượng với cái nhìn trực diện của 2 vị khách mời trong buổi tọa đàm là ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng- Tổng Giám đốc Đài TNVN và bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh. Họ thẳng thắn nêu quan điểm trên sóng, không né tránh nguyên nhân”- nhà báo Nguyễn Hằng nói.
Trong suốt cuộc tọa đàm kéo dài một giờ đồng hồ, người dẫn chương trình đã đưa ra những câu hỏi thẳng, trực diện và khéo léo dẫn dắt các cuộc điện thoại của thính giả để bày tỏ ý kiến đồng tình và trao đổi thêm với hai vị khách mời suy nghĩ của họ. Theo nhà báo Nguyễn Hằng, tác phẩm của nhóm đoạt giải báo chí vì đã nói lên tiếng nói của người dân.
Cùng đạt giải A tại Giải Báo chí Quốc gia lần này, loạt bài “Tích tụ, tập trung ruộng đất, đòi hỏi từ cuộc sống” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Phương Chi, Ban Thời sự (VOV1) cũng được Hội đồng Giải đánh giá cao. Nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan chia sẻ, để hoàn thành loạt bài này, nhóm tác giả mất gần 5 tháng, từ việc thu thập ý kiến của các chuyên gia, khảo sát thực tế tại nhiều địa phương ở các vùng miền từ Bắc và Nam.
Nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan, Ban Thời sự VOV1 tác nghiệp trong phòng thu. |
“Trong loạt bài của mình, chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp, những ý kiến của các chuyên gia để làm sao có những hình thức tích tụ nào hợp lý nhất từ vùng miền, Luật Đất đai nên sửa đổi theo hướng như thế nào, mở rộng hạn điền hay không? Giá đất đai hiện nay đã phù hợp với giá thị trường hay chưa? Chúng tôi viết ở nhiều khía cạnh, góp một phần tiếng nói cho Chính phủ, Đảng, Nhà nước có những thay đổi phù hợp hơn, bảo vệ quyền lợi của nông dân cũng như sự phát triển của ngành nông nghiệp, sự phát triển của đất nước”- nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan chia sẻ.
Với nhóm tác giả Nguyễn Thị Hương Lan và Nguyễn Phương Chi, niềm vui của họ không phải là khi “đứa con tinh thần” đạt được giải cao mà là khi họ trực tiếp gặp được những người nông dân đang rất cần những tháo gỡ khó khăn. “Những mô hình của họ tuy chỉ là bước đầu nhưng gặt hái được nhiều thành công. Chúng tôi coi đây là những bứt phá đầu tiên trong việc tích tụ ruộng đất”- nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan nói.
Nhà báo Phương Chi phỏng vấn người dân ở ĐBSCL khi thực hiện Loạt bài "“Tích tụ, tập trung ruộng đất, đòi hỏi từ cuộc sống”. |
Phản ánh vấn đề thời sự, bức xúc trong dư luận
Từ những đề tài chính trị, kinh tế của đất nước, đến đề tài xã hội gây bức xúc trong dư luận đều được các nhà báo của Đài TNVN thể hiện sinh động, hấp dẫn và đặc sắc. Tác phẩm “Những biến tướng đáng sợ của các dự án BOT gây bức xúc” của nhóm tác giả Hán Phi Long, Nguyễn Thanh Bình, Báo điện tử VOV đạt giải B tại Giải báo chí lần này là minh chứng cho điều đó. Đây là tác phẩm được thể hiện theo phong cách tạp chí E-magazine- một xu hướng mới của báo điện tử ngày nay.
Nhà báo Hán Phi Long và Nguyễn Thanh Bình (Báo điện tử VOV) với tác phẩm "“Những biến tướng đáng sợ của các dự án BOT gây bức xúc”đạt giải B. |
Nhà báo Phi Long chia sẻ, các dự án BOT thời gian qua khiến người dân vô cùng bức xúc và có những phản ứng gay gắt. Bởi trước đây, chủ trương đầu tư kêu gọi xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn xã hội hóa đã mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả của các dự án BOT, làm thay đổi bộ mặt của hạ tầng giao thông nước ta. Tuy nhiên, sau một thời gian, một số dự án BOT đã bị biến tướng, không còn đúng bản chất của việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Những dự án BOT đã dần bị méo mó, có sự chia chác, không minh bạch.
“Khi viết bài này, tôi nhớ mãi câu nói của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội đã nói “BOT có gì phải bí mật, chỉ có ma mới thích bóng tối”. Nhóm chúng tôi khi viết loạt bài này cũng chỉ mong muốn làm sao để việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào BOT và đầu tư những tuyến đường BOT mang lại đúng hiệu quả, đúng bản chất tên gọi của nó là những dự án BOT. Để một đồng thuế đóng góp của dân, một đồng đầu tư XHH mang lại hiệu quả cao nhất”- nhà báo Phi Long nói.
Người cầm bút phải trung thực, bản lĩnh vững vàng
Đạt giải B tại Giải báo chí Quốc gia lần thứ 12, phóng sự truyền hình “Đánh bùn ra biển”của nhóm tác giả Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã dấy lên một luồng dư luận mạnh mẽ liên quan đến việc Bộ TN-MT cấp phép đổ thải gần 1 triệu mét khối vật chất ra khu vực biển huyện Tuy phong, tỉnh Bình Thuận.
Nhà báo Bùi Lan Anh, một trong những người thuộc ê kíp thực hiện tác phẩm chia sẻ, để thực hiện được tác phẩm phóng sự truyền hình dài 13 phút, ekip thực hiện chương trình đã lấy ý kiến của các chuyên gia về đại dương và biển phân tích về tác động của khối vật chất nhận chìm đến môi trường của vùng nuôi tôm giống (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) và khu vực biển Hòn Cau. Đồng thời không quản ngại khó khăn trong quá trình đi khảo sát, tác nghiệp tại hiện trường để thu thập những hình ảnh thực tế, chân thực nhất.
“Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp ở hiện trường. Đối với con gái, điều này càng vô cùng khó khăn. Khi lên thuyền ra biển cách bờ mười mấy hải lý, điều kiện thời tiết không tốt. Khi tiếp cận được hiện trường, tôi gần như ngất xỉu trên tàu vì quá say sóng. Hai lần chúng tôi tiếp cận hiện trường đều ở trong tình trạng kiệt sức, không chỉ phóng viên nữ mà còn phóng viên nam, đến cả thợ lặn cũng say sóng. Đã có lúc quay phim và biên tập lả đi”- nhà báo Bùi Lan Anh cho biết.
Phóng viên Bùi Lan Anh (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) tác nghiệp tại hiện trường ở biển Vĩnh Tân, Bình Thuận. |
“Báo chí có vai trò quan trọng trong việc đưa phản biện xã hội đặc biệt là phản ánh về những thông tin có thể có liên quan đến những chính sách, đặc biệt là những chính sách tác động đến môi trường. Chính phủ cũng đã nói, chúng ta không có lựa chọn về việc đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thế thì bài toán ở Vĩnh Tân mà chúng tôi thực hiện gần như là một trong những bài toán liên quan đến đánh đổi. Tôi rất mừng là đến cuối cùng chúng ta vẫn lựa chọn môi trường, lựa chọn cuộc sống của người dân”- nhà báo Bùi Lan Anh cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay khi có nhiều cám dỗ, có thể khiến những người cầm bút bị lạc hướng nhưng các nhà báo của Đài TNVN vẫn giữ được bản lĩnh. Họ luôn nỗ lực đem đến cho khán, thính giả và độc giả những tác phẩm báo chí không chỉ nhanh, chính xác mà còn sinh động, hấp dẫn, xứng đáng với sự tin yêu của công chúng, trách nhiệm của người đưa tin và trách nhiệm của một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu cả nước./.
105 tác phẩm đọat Giải báo chí Quốc gia năm 2017
Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 12 chính thức khai mạc
Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 12
Tổng Giám đốc VOV đề xuất về Giải báo chí Quốc gia