Ngay sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015, các Sở Giáo dục - Đào tạo, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ thi này. Nội dung trọng tâm là tuyên truyền, hướng dẫn ôn tập, rà soát hoàn chỉnh hồ sơ cho học sinh lớp 12, cho học sinh đăng ký cụm thi... nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Nội dung quan trọng được Sở Giáo dục –Đào tạo các địa phương triển khai là yêu cầu trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức phổ biến, học tập 2 Quy chế cho cán bộ, giáo viên và học sinh lớp 12, trong đó nhấn mạnh những điểm mới của 2 Quy chế này.

img_9937_hpzh_kyso.jpg(Ảnh minh họa)

Một số Sở Giáo dục - Đào tạo như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đà Nẵng... đã ban hành công văn nêu rõ những đầu việc mà các trường phổ thông cần chuẩn bị cho kỳ thi. Đối với nội dung dạy và học, yêu cầu các trường thực hiện dạy đúng chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tổ chức ôn tập, trong đó chú trọng đến phân nhóm học sinh theo năng lực để tổ chức ôn tập hiệu quả.

Ông Đinh Trung Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: “Chúng tôi tổ chức cho các đơn vị định hướng cho học sinh tùy theo năng lực khả năng, nguyện vọng của các em và điều kiện gia đình để có thể lựa chọn, một là tham gia thi cụm đối với các em có nhu cầu thi đại học và tham gia thi chỉ lấy điểm để tốt nghiệp THPT. Chúng tôi cũng rà soát để cho các em đăng ký chính xác, phù hợp với nguyện vọng. Đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu có tỷ lệ tham gia đăng ký thi cụm dự kiến khoảng 48% và đăng ký thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh khoảng 52%. Chúng tôi cũng tổ chức cho các đơn vị rà soát lại đến từng học sinh để xem các em có khả năng lợi thế về môn nào, để tổ chức ôn thi có hiệu quả”.

Thực hiện sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đã tổ chức phổ biến các quy chế thi năm nay cho cán bộ, giáo viên và học sinh lớp 12. Các trường cũng hoàn tất khảo sát đăng ký môn thi của học sinh và tổ chức lớp ôn tập theo môn thi song song với chương trình chính khóa. Nội dung ôn tập dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình khung năm học 2014-2015 và theo định hướng đề thi của các kỳ thi trong năm 2014.

Trong quá trình ôn tập, ở một số trường cũng nảy sinh bất cập, đó là số học sinh đăng ký các môn thi tự chọn không đồng đều, nhưng các trường đều tổ chức lớp ôn tập hoặc các buổi phụ đạo riêng, đảm bảo học sinh có đủ kiến thức dự thi.

Bà Bạch Thị Bích, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Trường có 125 học sinh, khảo sát sơ bộ là 3/4 thi để lấy điểm tốt nghiệp, 17 học sinh thi để lấy điểm xét tuyển đại học. Về ôn tập, ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, tiếng Anh, các em chọn 1 môn nữa theo nguyện vọng. Sau đó chúng tôi cho các em phân thành nhóm. Một nhóm thi để lấy điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng, một nhóm các em chỉ thi để lấy điểm tốt nghiệp. Việc chuẩn bị hồ sơ cho các em dự thi thì cũng làm rất cẩn thận, từ việc đối chiếu hồ sơ, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trong hồ sơ, lập dữ liệu để chuẩn bị dự thi cho các em”.

Trong hoạt động dạy và học, các trường đều cam kết dạy đúng, dạy đủ chương trình chính khóa, không cắt xén nội dung hoặc các môn mà thí sinh không thi. Ông Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Trường Lê Quý Đôn đến bây giờ vẫn đang dạy theo đúng chương trình của Bộ. Về nguyên tắc vẫn phải dạy hết chương trình, ngoài ra phải định hướng cho các em về cách thức làm bài theo các ghi chú, theo chuẩn kiến thức kỹ năng và theo tích hợp liên môn, phát huy tính tích cực của học sinh. Chúng tôi cũng dựa theo định hướng đó để đề nghị các thầy cô giáo tổ chức ôn luyện cho các em”.

Các trường cũng đang thống kê về số lượng học sinh, học viên đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp; số lượng học sinh dự thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng./.