Mới vào đầu mùa mưa, nhưng trận lũ ống, lũ quét vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho tỉnh Lai Châu với 4 người chết, hàng chục nhà phải di dời khẩn cấp, hạ tầng giao thông bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Hiện vẫn còn 5 bản với khoảng 1.000 nhân khẩu tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè bị cô lập.

Đặc biệt, sự việc 3 công nhân bị lũ cuốn khi cứu máy móc tại dự án đang thi công đường biên giới Pa Vệ Sủ là tai nạn nghiêm trọng, cần có sự vào cuộc kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn trên các công trình đang thi công mùa mưa lũ, nhằm tránh những thiệt hại tương tự xảy ra.

vov_mua_lu_muong_te_xrza.jpg
Trận mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi, hư hỏng cầu, hệ thống giao thông tại Mường Tè, Lai Châu.

Dự án đường Pa Vệ Sủ khởi công năm 2018, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Theo đại tá Vũ Văn Trào, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu, Chủ đầu tư dư án này cho biết, trận mưa lũ vừa qua đã làm 3 công nhân bị chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 7 tỷ đồng. Công trình thi công trong mùa mưa lũ khó có thể tránh được những tai nạn rủi ro, bất khả kháng:  “Chúng tôi cũng đã thông báo, chỉ đạo các nhà thầu kể cả các đồn biên phòng lấy sự việc này để làm bài học để chủ động trong công tác kiểm tra, sớm phát hiện ra những hiện tượng nún nứt cũng như nguy cơ  có thể xảy ra lũ ống lũ quét và chủ động khắc phục để tránh những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua”.

Với điều kiện địa hình thi công phức tạp, nhất là trong mùa mưa lũ, việc để 3 công nhân thiệt mạng khi cứu máy móc trong lúc lũ lớn đang đổ về cho thấy việc giám sát an toàn lao động của chủ đầu tư chưa thực sự chặt chẽ.

Nói về vấn đề này, đại tá Vũ Văn Trào cho biết: “Đơn vị trực tiếp thi công rất có kinh nghiệm trong công tác xây dựng các công trình tương tự trên khu vực địa bàn biên giới. Thế nhưng mà tình hình thiệt hại cũng như vấn đề mất an toàn trong thời gian vừa qua hoàn toàn là do khách quan. Địa bàn tại Pa Vệ Sủ đúng là cũng không lường hết được về thiên tai”.

Tai nạn do thiên tai, mưa lũ thường được cho là rủi ro, bất khả kháng song trong vụ việc này, các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cần làm rõ đây có phải là tai nạn lao động khi cả 3 công nhân này đang làm việc? Trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư thế nào trong giám sát an toàn lao động nơi nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao? Quyền lợi của những công nhân thiệt mạng, nhất là khi không có bảo hiểm lao động sẽ được hỗ trợ thế nào?

Thực tế, hiện nay tại các công trình thi công đường giao thông ở Lai Châu, các lán trại làm việc và khu ăn nghỉ đều được đặt ở vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao. Lai Châu cần quan tâm hơn nữa trong thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động trên các công trường xây dựng tại những vị trí xung yếu, để tránh những thiệt hại tương tự xảy ra khi mùa mưa mới chỉ mới bắt đầu./.