Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia mỗi ngày tiếp nhận từ 60 - 70 ca mắc sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã nặng, với các biến chứng như tiểu cầu hạ, rối loạn đông máu… phải cấp cứu thở máy, truyền máu, truyền tiểu cầu. Tuy nhiên, do bệnh nhân sốt xuất huyết cần truyền máu quá đông, bệnh viện không còn tiểu cầu dự trữ sẵn, nên nhiều bệnh nhân phải chờ đợi khá lâu, thậm chí cả ngày mới có tiểu cầu để truyền.
Phó viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia Nguyễn Hồng Hà cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết không phải truyền máu thông thường mà là truyền tiểu cầu, để tránh rối loạn đông máu. Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, tình trạng tiểu cầu giảm rất nguy hiểm. Nếu không được truyền máu kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não và tử vong. Để có một đơn vị tiểu cầu cho bệnh nhân phải cần từ 3 - 4 đơn vị máu. Vì vậy, nếu số bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục tăng, khả năng thiếu máu có thể xảy ra.
Để đảm bảo lượng máu và tiểu cầu truyền cho bệnh nhân, Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà: “Chúng tôi phải nghiên cứu cách chỉ định cho thật sát, chứ không thể cho những người chưa cần thiết. Khi có xuất huyết rõ rệt như chảy máu cam, xuất huyết đường tiêu hoá… Thứ hai là chưa xuất huyết nhưng tiểu cầu hạ dưới 10 thì mới truyền tiểu cầu dự phòng”.
Thiếu tiểu cầu để truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết là tình trạng chung của các bệnh viện ở Hà Nội như: Bệnh viện đa khoa Saint Paul, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại những bệnh viện này, nhu cầu về tiểu cầu đều tăng từ 3 - 5 lần, nhưng cũng không đủ để điều trị. Có những bệnh nhân nặng không thể chờ được, bệnh viện phải vận động người nhà đi hiến máu để truyền.
Trước tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị bệnh sốt xuất huyết, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tăng cường vận động hiến máu nhân đạo; sản xuất tiểu cầu bằng máy để cung cấp máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện tại Hà Nội. Tuy nhiên, với khoảng 120 - 130 đơn vị tiểu cầu thu được từ nguồn người hiến máu tình nguyện và việc sản xuất tiểu cầu bằng máy, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% - 70% nhu cầu về máu cho các bệnh viện ở Hà Nội.
Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, hiện tại, Viện đặt ra yêu cầu là ưu tiên máu cho điều trị sốt xuất huyết. Tức là không để bệnh nhân cần tiểu cầu mà không có tiểu cầu. Viện đã tích cực phối hợp với các đoàn thể, như công đoàn, phụ nữ, thanh niên vận động các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng tại Hà Nội tham gia vào phong trào hiến máu. Đồng thời chuẩn bị nhiều hoạt động thu gom máu trong đó có Lễ hội Xuân hồng sau Tết..
Hiện nay, nhu cầu máu và các chế phẩm từ máu tăng cao, đặc biệt trong thời điểm số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao như hiện nay. Đặc biệt, máu không thể sản xuất ra bằng máy móc hiện đại. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân tham gia hiến những giọt máu hồng để giúp người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật./.