Theo đó, có 5 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 5.800m được công bố tình huống khẩn cấp, gồm: Kênh Mới – Đá Bạc; Đá Bạc – Sào Lưới; Sào Lưới – Ba Tỉnh (thuộc huyện Trần Văn Thời) và đoạn Giồng Cát – Tiểu Dừa; Bờ Bắc – Nam vàm Khánh Hội (huyện U Minh). Tại các đoạn này, tình hình sạt lở đang rất phức tạp. Bên ngoài đê không còn rừng phòng hộ hoặc còn ít, sóng biển uy hiếp thân đê. Có những đoạn nguy cơ ảnh hưởng đến các khu dân cư, trường học, trạm y tế và đường điện trung, cao thế.
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn ở khu vực bị sạt lở; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời xử lý; nhanh chóng thực hiện khảo sát, lập thủ tục đầu tư chống sạt lở trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Ngoài ra, UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh còn có trách nhiệm vận động, sơ tán người dân ra khỏi những khu vực sạt lở nguy hiểm; thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn cho đê và người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp ở 4 đoạn sạt lở thuộc 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, với chiều dài hơn 3.300m./.