Mấy ngày nay, tại thành phố Đà Nẵng, ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, có ngày ghi nhận gần 500 ca mắc. Trong khi, số lượng đối tượng là F0 đang có chiều hướng nhiều hơn F1. Trong đó, 98% ca mắc đều không có triệu chứng.
Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, hiện chỉ có gần 30% số hộ gia đình có người mắc COVID-19 đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Trong khi số lượng F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế là gần 2.000 ca, thì chỉ có hơn 400 ca mắc đang điều trị tại nhà, như vậy là tương đối thấp so với năng lực y tế thành phố.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Đà Nẵng chiều 10/1, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc để các ca mắc ngoài cộng đồng tăng lên trong những ngày gần đây là do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan.
Ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Sở Y tế, lãnh đạo các sở, ban, ngành khắc phục ngay việc nêu ra biện pháp nhưng không thực hiện. Ví dụ như, việc thành lập trạm y tế lưu động điều trị F0 tại các khu công nghiệp. Dù đã đưa ra biện pháp từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành lập, làm giảm hiệu quả điều trị F0 của thành phố; Yêu cầu các địa phương phải xác định rõ cấp độ dịch để áp dụng các biện pháp kịp thời, linh hoạt; Khắc phục tư tưởng e ngại khi nâng cấp độ dịch.
Ngành y tế phải khẩn trương hoàn thiện kịch bản khi F0 tăng cao (khoảng 2.000 ca). Trong đó, huy động lực lượng y tế trong cộng đồng giảm tải cho y tế phường, xã, quận, huyện; Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2, huy động sự vào cuộc của Trung tâm y tế, cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19;…
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng, các địa phương cần xác định cách ly, điều trị F0 tại nhà là một trong những biện pháp bắt buộc và cơ bản ở thời điểm hiện nay. Ngoài ra, cần nhanh chóng thành lập các cơ sở y tế điều trị F0 tự nguyện trả phí giống như làm với cách ly F1 trước đây:
“Đồng ý với chủ trương hình thành các cơ sở điều trị tự nguyện trả tiền. Bây giờ điều trị cũng phải trả tiền và rất nhiều người dân có điều kiện. Họ không muốn ở nhà điều trị vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của gia đình và họ đến cơ sở y tế chấp nhận bỏ tiền điều trị 5 đến 7 ngày rồi về. Việc này rất phù hợp nên đề nghị Ban Chỉ đạo hôm nay thống nhất chủ trương này để triển khai" - ông Nguyễn Văn Quảng cho biết./.