Vào chiều 11/5, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: Ở đảo Phú Quý, vào mùa nắng nóng, rong rêu thường sinh sôi rất nhiều. Đặc biệt, trong năm nay, hiện tượng rong rêu xuất hiện cao hơn bình thường với mật độ dày. Khi rong rêu chết đi, nó hình thành một thảm thực vật bị phân hủy, tạo ra một vùng nước bị ô nhiễm.
Những năm trước, hiện tượng này xảy ra với quy mô nhỏ. Nếu có gió và luồng nước chảy, thì chỉ ảnh hưởng thoáng qua; gần như không gây tác hại. Nhưng năm nay thời tiết có phần bất lợi hơn và khu vực bị ảnh hưởng giữa một vùng rạn san hô bao bọc xung quanh, không có nước chảy, nên đã xảy ra hiện tượng cá chết.
Ông Huy giải thích thêm: “Năm nay, tại thời điểm 3-4 giờ sáng ngày 9/5, lúc này thời tiết đứng gió. Khi không có gió, bản chất trong nước đã thiếu oxy. Khi luồng nước bị ô nhiễm bùng lên, thủy triều đang đứng nước, nên không tạo ra dòng chảy. Chính vì vậy, xảy ra trong một khu vực nhỏ của 5 hộ trên tổng số 55 hộ nuôi cá tại khu vực này”.
Các năm 2002, 2004, 2005 và nhất là 2007 cũng đã xảy ra hiện tượng cá chết tương tự ở đảo Phú Quý. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khuyến cáo: Khi thấy thời tiết bất lợi, thì bà con lưu ý có biện pháp phòng ngừa, đối phó. Các hộ nuôi cần phải trực để theo dõi, nếu có hiện tượng bất thường phải xử lý kịp thời cho đàn cá của mình như xục oxy hoặc là di dời bè ra vùng nước xa hơn để tránh khoảng thời gian nảy sinh rong tảo đó. Trong quá trình nuôi, các chủ lồng bè cũng hết sức lưu ý vấn đề sử dụng thức ăn, tránh việc ô nhiễm hơn cho vùng biển này./.
Chưa thể kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt ở đảo Phú Quý