Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, rạng sáng nay (18/10), tàu biển chở đoàn tàu đầu tiên của tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội từ Pháp về đã cập cảng biển Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng).

Sau đó, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Nhổn - ga Hà Nội được xếp xong lên xe đầu kéo rơ moóc trong sáng nay. Gần 8h sáng, việc bốc dỡ đoàn tàu lên cảng được triển khai. Đoàn tàu có 4 toa, được cẩu lên cảng và xếp vào xe đầu kéo rơ moóc, mỗi xe chở 1 toa.

Việc cẩu, xếp các toa tàu lên xe đầu kéo rơ moóc đến trưa đã hoàn thành. Tuy nhiên, do đoàn tàu thuộc loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng, chiều cao lớn nên phải xin giấy phép vận chuyển, với hành trình và thời gian cụ thể.

Cụ thể, lúc 22h đêm nay, các đoàn xe bắt đầu khởi hành từ cảng Nam Hải, Đình Vũ để về Depot Nhổn, Hà Nội.

4 xe chở 4 đoàn tàu sẽ phải di chuyển tổng chiều dài quãng đường là 189km. Cung đường vận chuyển là từ cảng Nam Hải Đình Vũ - QL5 kéo dài - QL10, đường nối Thái Bình - Hà Nam, nút giao Liêm Tuyền - QL21 để ra QL1 cũ từ TP. Phủ Lý (Hà Nam). Sau đó đi theo QL1 cũ - đường Giải Phóng (Hà Nội) - đường Vành đai 3 - Lê Đức Thọ (sân vận động Mỹ Đình) - Hồ Tùng Mậu để về Depot.

Trước đó, đoàn tàu rời cảng cảng Dunkirk (Pháp) vào ngày 2/9 và được nhà sản xuất Alstom (Pháp) vận chuyển về khu vực biển Đông.

Đoàn tàu cập cảng Hải Phòng sớm hơn một tuần so với dự kiến. Sau khi cập cảng, đoàn tàu sẽ được vận chuyển bằng xe siêu trường siêu trọng tới khu Depot Nhổn (Hà Nội), thực hiện lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.

Theo MRB, tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, đầy đủ tiện nghi và phù hợp với nhu cầu người Việt, độ an toàn cao trong mọi tình huống.

Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ sử dụng 10 đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm), thân xe sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, được chế tạo tại Pháp.

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến quá trình thiết kế và sản xuất đoàn tàu của dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Tuy nhiên, MRB vẫn cố gắng đảm bảo đưa đoàn tàu đầu tiên về sớm hơn một tuần so với dự kiến.

Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km vào nửa cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông vận tải.

4 km đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đô thị này được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong giao thông đô thị ở khu vực phía tây Hà Nội.

Dự án tuyển đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4km đi ngầm. Tổng số có 10 đoàn tàu, do tập đoàn Alstom (Pháp) thiết kế, chế tạo theo tiêu chuẩn châu Âu, với vật liệu thân vỏ là​ hợp kim nhôm. Sau khi đưa đoàn tàu đầu tiên về Depot, MRB sẽ đưa tàu lên nhà ga trên cao S1 để quản lý, trưng bày cho người dân tham quan vào tháng 11/2020. Dự kiến đoàn tàu thứ 2 sẽ được đưa về dự án vào tháng 1/2021 và đoàn tàu cuối cùng vào tháng 6/2021./.