Tại hội nghị trực tuyến Tổng kết của ngành Y tế mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành Y tế đã thực hiện đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố…

Theo đó, sẽ giảm ít nhất 1.260 vị trí lãnh đạo (cấp trưởng, phó các đơn vị), giảm biên chế làm gián tiếp như hành chính văn thư, lái xe, bảo vệ…, đến nay đã giảm được 3.400 cán bộ làm gián tiếp.

Người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho các trung tâm y tế không có giường bệnh tại địa phương, cuối năm 2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BNV-BYT, theo đó sẽ giảm 5 đơn vị và tiến tới sẽ giảm 315 đơn vị tại 63 tỉnh/thành phố. Hiện ngành Y tế có khoảng 17.000 cán bộ làm việc trong lĩnh vực này, trong đó có khoảng 3.400 cán bộ làm gián tiếp (chiếm khoảng 20%).

Việc sáp nhập không chỉ tiết kiệm ngân sách do cắt giảm nhân lực gián tiếp cồng kềnh mà còn thêm nguồn lực đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

bo_y_te_dbei.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp cận tết
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết thêm, ngành Y tế cũng có nhiều sự kiện nổi bật như lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại các trạm y tế xã và triển khai đề án tăng cường y tế cơ sở; đưa hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng – đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng đến suốt đời thông qua cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng; đấu thầu tập trung thuốc quốc gia giúp giảm chi phí thuốc và tiết kiệm ngân sách. Việt Nam cũng đã tự chủ sản xuất vaccine sởi-rubella.

Tuy nhiên, năm 2017 cũng ghi nhận sự cố hy hữu xảy ra, đặc biệt sự cố khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đây được xem là tai biến y khoa nghiêm trọng trong lịch sử ngành y tế./.