Ngành y tế đã luôn luôn cố gắng để lấy lại niềm tin và uy tín của người bệnh bằng việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số cơ sở y tế trong cả nước vẫn để đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc đó là tai biến trong y khoa mà sai sót hoàn toàn thuộc về phía bệnh viện, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.

Mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Lê Duẩn, Hà Nội) làm 2 bệnh nhân tử vong sau khi gây mê. Vì sao ngành y lại liên tiếp xảy ra nhưng sự việc như vậy?

chi_tein_ndqm.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Lý giải điều này, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối năm vào chiều 26/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh, vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (nhân viên mới, tắc trách…)..... nhưng tai biến y khoa cũng có thể xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật”.

Bà Tiến khẳng định: Như vậy, có thể nói không phải tất cả các vụ việc xảy ra vừa qua sai sót đều thuộc về phía bệnh viện. Các trường hợp mà truyền thông đề cập, Bộ Y tế đều khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh. Đơn cử như: Vụ mổ nhầm chân ngày 9/7/2016 tại BV Việt Đức, Giám đốc Bệnh viện đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu – phẫu thuật viên chính cho người bệnh.

Vụ việc cháu Lê Thị Hà Vi (Đắc Lắk) bị cưa chân có thiếu sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu không được xử trí kịp thời, Sở Y tế tỉnh Đắc Lắk đã kỷ luật Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin, đồng thời Sở Y tế cũng đưa ra khung xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin theo nghị định 176 của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Y tế, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn. Cụ thể được quy định tại điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, điều 6-8-9 của Nghị định 102/2011/NĐ-CP.

Trong khuôn khổ chức năng quản lý Nhà nước, bà Tiến cho biết: Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo về vấn đề phòng ngừa, hạn chế và khắc phục sai sót y khoa. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017.

Xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể bảo đảm ATNB và nhân viên y tế theo 7 lĩnh vực tại Điều 7 Thông tư 19/2013/TT-BYT, hiện đã có dự thảo hướng dẫn an toàn phẫu thuật, thủ thuật và phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn. Xây dựng chuẩn chất lượng bệnh viện, các chuẩn chất lượng chuyên môn (hiện đang xây dựng được cho một số chuyên ngành như đơn vị đột quỵ, mổ đục thủy tinh thể…).

Bộ Y tế cũng đã thiết lập Tổ chức chứng nhận chất lượng bệnh viện độc lập thực hiện việc đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng bệnh viện một cách khách quan và được chuẩn hóa. Đào tạo, tập huấn thay đổi văn hóa an toàn người bệnh, thay đổi tư duy xử phạt, quy lỗi cá nhân sang khuyến khích báo cáo tự nguyện.

Ngoài ra, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức BH, định mức cơ sở dữ liệu khác nhau về mức rủi ro, mức trách nhiệm BH theo vụ việc, chuyên khoa/đa khoa, hạng BV..., giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn.

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận mặc dù bước đầu ngành Y tế đã có những chuyển biến tích cực nhất là về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà người bệnh đã bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh.

Với cá nhân, Bộ trưởng chưa thể hài lòng được, vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục quan tâm, thực hiện quyết liệt, phải có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ ngành y tế và cả người dân./.