Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sáng nay (14/6), đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt vấn đề: Việc bán thuốc không cần kê đơn hiện nay khá phổ biến. Cả nước có khoảng 3.000 hiệu thuốc, và có tới 88-91% hiệu thuốc không bán theo đơn của bác sĩ. Thực tế đã có hàng triệu người chết do kháng thuốc.

y_te_vhvv.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề "nóng" của ngành

Bà Ánh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tiến về việc quản lý bán thuốc theo đơn hiện nay thế nào, việc quảng cáo và bán thực phẩm chức năng tràn lan được kiểm soát rao sao?

Băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng nêu câu hỏi: Bao giờ mới chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn bán thuốc như bác sĩ?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân

Về thực trạng người dân đến hiệu thuốc mua thuốc không cần kê toa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Tôi xin nhận trách nhiệm, nhận lỗi khi dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ".

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết, trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng chấm dứt. "Sắp tới ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, thanh tra kiểm tra nhiều hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận quản lý tình trạng này khó vì đã có thông tư ban hành quy định về việc kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng đơn vị kinh doanh không tuân theo.

Bộ trưởng cho biết, cả nước chỉ có 300 thanh tra nên kiểm soát việc bán thuốc tại các hiệu thuốc trên toàn quốc là rất khó, thậm chí còn khó hơn cả làm an toàn thực phẩm vì đây là lĩnh vực chuyên sâu.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý Dược thí điểm mô hình quản lý nhà thuốc, sắp tới sẽ nhân rộng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chênh lệch giá ở các quầy thuốc bán lẻ, Bộ trưởng cho rằng: "Chắc chắn giá giữa các quầy thuốc sẽ khác nhau, chúng ta phải tuân thủ quy luật của thị trường, tuân theo kê khai giá, công khai minh bạch".

Đối với giá biệt dược, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận là cao vì "đã là biệt dược thì giá cũng rất đặc biệt". Giá biệt dược cao là do độc quyền, đặc biệt tại chuyên khoa ung thư, tim mạch...

Với gần 700 thuốc biệt dược còn bản quyền, giá cao, Bộ Y tế sẽ áp dụng hình thức đàm phán giá, mua sắm tập trung với hy vọng mua được thuốc giá rẻ hơn. Tới đây, cần 500 biệt dược gần hết hạn bảo hộ độc quyền giá cao đang được đưa vào đấu thầu rộng rãi. Với giải pháp này sẽ giúp giảm thêm 10% giá thuốc trên thị trường, người đứng đầu ngành y tế cho biết./.