Ngày 1/1/2004, Hiến pháp chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, toàn bộ Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có nhiều nội dung mới, đặc biệt là quyền con người được đề cao; đồng thời cho rằng, điều quan trọng là phải làm thế nào để Hiến pháp đi vào cuộc sống. 

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Triển khai Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả một hệ thống chính trị trong năm 2014. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị tích cực triển khai thi hành Hiến pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống.

Trả lời phỏng vấn VOV online, TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho biết, ông cũng như nhiều người dân khác quan tâm đến vấn đề triển khai và thực hiện Hiến pháp như thế nào?.

ts-mieu.jpg
TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương

 “Tôi cho rằng, lần này triển khai Hiến pháp không chỉ làm cho dân biết, mà còn phải làm cho dân hiểu những vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Có hiểu thì dân mới có thể tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát; có hiểu thì dân mới tham gia vào quá trình xây dựng các luật khác. Tôi quan niệm, xây dựng được Hiến pháp đã khó, nhưng thực hiện Hiến pháp lại càng khó khăn hơn. Bởi vì, nước ta vẫn còn một tồn tại, đó là: đưa ra nhiều văn bản luật pháp và chính sách, nhưng luật pháp và chính sách được ban hành không đi vào cuộc sống”- Tiến sĩ Trần Văn Miều nói.

Phải đánh giá được nhận thức, hành vi của dân đối với Hiến pháp

Theo TS Miều, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để mọi người dân tiếp cận và hiểu Hiến pháp? Trước hết, phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách làm mới để triển khai thực hiện Hiến pháp. Công tác tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện luật pháp của nước ta được làm từ lâu. Do đó, cần có tư duy mới, tức là khuyến khích cộng đồng dân cư tự tìm hiểu Hiến pháp. Có nghĩa là, dùng những người có uy tín, có trình độ trong từng cộng đồng nói cho mọi người hiểu.

Thứ hai, phải có phương pháp tiếp cận mới, nghĩa là tiếp cận vào từng cộng đồng dân cư. Các cộng đồng dân cư có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến cho mọi người hiểu Hiến pháp và cách tiếp cận theo các đoàn thể nhân dân. Các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến Hiến pháp cho đoàn viên, hội viên của mình.

Thứ ba, phải có cách làm mới. Đó là: đổi mới cách đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến Hiến pháp. Thay cho việc đánh giá “tổng số mũi tên bắn ra”-tức là chỉ đánh giá các sản phẩm trung gian như: in được bao nhiêu tài liệu, phát được cho bao nhiêu người dân, tổ chức được bao nhiêu đợt học tập, với bao nhiêu lượt người tham gia?... bằng phải tính “tổng số mũi tên trúng đích”-tức là phải đánh giá hiệu quả cuối cùng: nhận thức và hành vi của người dân đối với Hiến pháp thế nào. Rất cần đánh giá tác động của việc tuyên truyền phổ biến Hiến pháp đến cộng đồng dân cư.

TS Miều cho rằng, cần có cách làm mới để tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện Hiến pháp, nghĩa là phải chọn đối tượng chính của đợt tuyên truyền phổ biến Hiến pháp lần này.

“Tôi đề xuất, lấy trường học làm trung tâm, lấy học sinh và sinh viên làm đối tượng chính. Hiện nay, nước ta có trên 22 triệu học sinh, sinh viên. Đây là lực lượng to lớn và có tiềm năng trong công tác triển khai thực hiện Hiến pháp. Nếu chúng ta chỉ lấy số học sinh từ trung học cơ sở trở lên để làm công việc này thì cũng có trên 10 triệu người. Cộng với toàn ngành giáo dục có trên 2 triệu giáo viên và giảng viên. Chúng ta sử dụng học sinh, sinh viên và giáo viên, giảng viên vào công tác tuyên truyền phổ biến Hiến pháp ngay cho gia đình mình và người thân của mình thì hiệu quả không phải nhỏ”- TS Miều đề nghị.

Theo TS Miều, chỉ cần mỗi người trong trường học tuyên truyền phổ biến cho gia đình mình thì có trên 10 triệu gia đình được tiếp cận và hiểu Hiến pháp. Cách làm này cần phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng và các đoàn thể như: Đoàn, Hội, Đội. “Tôi nghĩ, đây là cách làm mới, sẽ tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhưng lại có hiệu quả cao”.

TS Miều cũng cho rằng, một việc nữa rất quan trọng trong quá trình triển khai và thực hiện Hiến pháp là sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật pháp theo tinh thần của Hiến pháp. Làm được như vậy thì Hiến pháp mới đi vào cuộc sống./.