Đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số cơ quan của Chính phủ và các chuyên gia về hiến pháp của Nhật Bản tham dự buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có rất nhiều đổi mới và có những đột phá về thể chế.

Để những quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua một chương trình toàn diện để thể chế hóa những điều Hiến pháp quy định.

toancanh.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Sỹ Dũng nhận định: “Những quy định trong Hiến pháp không khéo chỉ nằm trên giấy nếu chúng ta không có đủ năng lực để triển khai vào cuộc sống. Để triển khai chúng ta cần tri thức, hiểu biết và kinh nghiệm. Cuộc tọa đàm này cung cấp kinh nghiệm triển khai Hiến pháp của Nhật Bản”.

Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã giới thiệu về kế hoạch triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua.

Theo đó một trong những trọng tâm công việc đã và đang được cấp bách triển khai là rà soát sửa đổi, bãi bỏ các văn bản pháp luật đảm bảo tính hợp hiến của tất cả các văn bản này. 

Ông Lê Minh Thông nói: “Trong quá trình rà soát, chúng tôi xác định, trước hết phải khẩn trương sửa đổi bổ sung, ban hành mới những văn bản pháp luật mà hiện nay cần thiết phục vụ cho tính liên tục của bộ máy theo quy định của Hiến pháp mới. Trọng tâm là ưu tiên cho các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và vấn đề quyền con người. Còn đối với các lĩnh vực khác như: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường sẽ có lộ trình để từng bước xem xét sửa đổi”.

Chiều nay, theo chương trình các chuyên gia của Nhật Bản sẽ trực tiếp trao đổi kinh nghiệm về việc thực thi hiến pháp năm 1946 thành công của Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề thể chế hóa Hiến pháp thành pháp luật./.