Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng. Bên cạnh các danh hiệu để vinh danh những người con anh hùng của Đất nước thì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn được thể hiện trong các chính sách cụ thể chăm lo cho đời sống hằng ngày của các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công.

Trong Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ trả lời về các chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với thương binh liệt sỹ, người có công...
ba_hai_chuyen_33_vfwu.jpg
 Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyề

PV:Chúng tôi xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi đầu tiên của người dân gửi thư về chuyên mục liên quan công tác quy tập mộ liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ: Tôi có người anh cả đã viết “huyết tâm thư” để vào chiến đấu trong chiến tường Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1972. Anh tôi đã bị thương trong một trận đánh ở Khe Sanh được đưa về chữa trị và hy sinh ở Quảng Trị nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Tôi đã đến Cục Người có công tìm hiểu cách đây vài năm nhưng thời điểm đó trong danh sách các chiến sĩ hy sinh lưu tại Cục lại không có tên anh tôi là Vũ Đình Cường, quê ở Hải Phòng. Tôi xin được hỏi là trường hợp của anh tôi hy sinh có giấy chứng tử, có Bằng Tổ quốc ghi công sao không có tên trong danh sách của Cục Người có công? Và công tác quy tập cũng như xác định danh tích các liệt sĩ ở thời điểm này có những cải thiện như thế nào để giúp các gia đình như gia đình tôi tìm thấy phần mộ của người thân?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, cho phép tôi gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, tất cả những người có công và thân nhân của những người có công lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc.

Về nội dung thư của một công dân ở Hải Phòng hỏi, tôi xin được trao đổi như sauTất cả hồ sơ của liệt sĩ đều được quản lý ở Cục Người có công. Vừa qua,  chúng tôi có tra lại các trường hợp là liệt sĩ tên Vũ Đình Cường có đến 8 trường hợp, trong đó có 1 ở Hà Nam Ninh, 2 ở Hải Phòng.

Tôi nghĩ rằng, những liệt sĩ đã có Bằng Tổ quốc ghi công, có số Bằng trong danh mục quản lý hồ sơ hiện đã có ở Cục Người có công. Nếu gia đình phối hợp với Cục Người có công đối chiếu, khớp lại rất có thể là một trong 2 trường hợp ở Hải Phòng là thân nhân mà gia đình liệt sĩ đang quan tâm.

PV: Thưa Bộ trưởng, hoạt động xác định danh tính liệt sĩ đến thời điểm này chúng ta có những cải thiện như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong tâm nguyện của tất cả thân nhân liệt sĩ đều muốn tìm thấy và được đón các Anh về quê.

Để thực hiện được mong mỏi đó, Đảng và Nhà nước đã có chương trình rất lớn là giao cho xây dựng Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và Đề án này giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị quản lý đối với các đồng chí tham gia kháng chiến đó. Đến nay, chúng tôi đã có 8.000 trường hợp liệt sĩ chưa có tên của Hội những gia đình gia đình liệt sĩ trao đổi lại thông tin lại với chúng tôi.

Chúng tôi đã lấy mẫu phẩm của trên 8.000 trường hợp này cùng với 3 Viện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và một viện của Viện Khoa học Việt Nam. Hiện tại họ đang phân tích các gen của những mẫu phẩm này.

Chúng tôi đã lấy những mẫu phẩm của thân nhân các liệt sĩ tham gia chiến đấu ở khu vực Hội gia đình những liệt sĩ cung cấp đã lấy được trên 2.000 mẫu phẩm. Với mẫu phẩm của thân nhân cũng như là mẫu phẩm hài cốt của các anh đã được phân tích và chiết ghép, đến nay đã được số xác định danh tính chính thức để người thân đón về chưa được nhiều.

Nhưng tôi nghĩ đây cũng là kết quả bước đầu và Chính phủ vừa rồi tiếp tục cho phép nâng cấp 3 trung tâm phân tích gen, làm thế nào để sớm xác định được danh tính liệt sĩ. Trên cơ sở đó chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác để đôn đốc thực hiện việc này, mong rằng ngày càng nhiều các liệt sĩ được biết tên và ngày càng nhiều các gia đình được đón các anh về thông qua việc giám định AND này.

PV: Tiếp theo chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng bức thư của Tập thể cựu dân quân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở phường Phương Lâm, Hòa Bình. Các dân quân cho biết, họ vừa chiến đấu vừa sản xuất liên tục từ tháng 3/1963 đến tháng 1/1973, có xác nhận của những người nguyên là lãnh đạo chỉ huy. Vậy nhưng cán bộ trợ lý chính sách Ban chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình yêu cầu chúng tôi kê khai áng chừng, mỗi năm chỉ được khai 4 hoặc 5 tháng trực chiến đánh máy bay Mỹ. Nếu không khai như vậy sẽ không nhận hồ sơ làm chế độ cho chúng tôi. Chúng tôi phải làm sao trong trường hợp này?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đảng và Nhà nước luôn thực hiện trách nhiệm của mình đối với những người đã tham gia cuộc kháng chiến. Những cựu dân quân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1963 đến năm 1973 là những người đến nay đã có chính sách đối với đối tượng này. Việc kê khai, xác định cũng như thực hiện chính sách này hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan chịu trách nhiệm, xác lập hồ sơ và ra quyết định để được hưởng. Theo tôi, khi đã có chính sách ai tham gia bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu.

Việc như đơn thư nêu ở đây là chỉ được khai 4 tháng đến bây giờ tôi cũng chưa có cơ sở kết luận nhưng, tôi tin Bộ Quốc phòng sẽ xem lại kết quả cụ thể, những trường hợp nào tham gia đến đâu sẽ được hưởng đến đó.

PV: Liên quan đến việc hưởng chế độ dành cho con thương binh. Một cháu đang là sinh viên tại một trường đại học gửi thư về chuyên mục có hỏi: Bố cháu là thương binh nhưng nay đã mất. Xin hỏi Bộ trưởng, cháu có được nhận chế độ ưu đãi trong giáo dục dành cho con của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng hay không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chế độ ưu đãi về học tập cho con các đồng chí thương binh, liệt sĩ cũng như các đồng chí bệnh binh đã được Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều năm nay.

Trong chính sách này, kể cả những đồng chí thương, bệnh binh còn sống hoặc đã mất vẫn được hưởng chính sách ưu đãi. Loại thứ nhất là được nhận hỗ trợ 1 lần để mua sách vở hàng năm. Thứ 2 là miễn giảm học phí, trừ trường hợp người con đó đã có được hưởng một trong những chính sách là trợ cấp thường xuyên. Nói chung tất cả con các đồng chí liệt sĩ, thương bệnh binh đều được hưởng chính sách này.

PV:Chúng tôi xin gửi đến Bộ trưởng bức thư của ông Nguyễn Quang Hiên, trú tại An Lão, Hải Phòng, muốn làm chế độ dành cho người bị nhiễm chất độc da cam mà chưa được. Ông là bộ đội chiến đấu từ năm 1972 tới hết năm 1975, qua các chiến trường Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Sông Bé, Biên Hòa và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông xuất ngũ về địa phương năm 1975, sinh được 5 người con. Người con lớn đã mất khi được 3 tuổi. Người con thứ 3 của ông sau khi lập gia đình sinh được 1 cháu gái không có ngón tay, toàn thân bị mụn nước và sau 4 năm cháu mất. Người cháu thứ 2 hiện cũng mắc bệnh như chị cháu. Ông cho biết năm 2000 đã làm thủ tục gửi ban chính sách xã hội nhưng không được giải quyết chế độ. Ông hỏi có đủ điều kiện để nhà nước cho hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và phơi nhiễm F3 chưa?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Về vấn đề ông hỏi tôi xin được trao đổi như sau: Đúng là chiến tranh đã qua đi rất lâu. Hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại có nhiều, trong đó, những nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam trong quá trình tham gia kháng chiến là một trong những hậu quả nặng nề.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có chính sách cụ thể đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc da cam và con của họ. Đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến ở vùng có chất độc da cam, trong quy định có 17 bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam mang đến được giám định tùy từng mức độ. Khi giám định kết quả đến đâu được hưởng chế độ đến đó.

Thứ 2, con của những người trực tiếp tham gia kháng chiến đó bị ảnh hưởng mà có biểu hiện trên thực thể cũng được giải quyết chính sách.

Thứ 3, trường hợp bản thân người tham gia kháng chiến bị vô sinh cũng được thực hiện. Riêng đối với thế hệ thứ 3 tức là trường hợp cháu như ông trình bày ở đây trong quy định chính sách hiện nay chưa có.

Bởi vì trong phân tích về khoa học cũng chưa phân tích đến thế hệ thứ 3 này ảnh hưởng thế nào. Chính vì vậy chưa có chính sách cho đối tượng này. Tôi nghĩ rằng, thông qua trường hợp cụ thể này với trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng thấy rất cần phải có ý kiến với các cơ quan khoa học để có nghiên cứu thật cụ thể và có phân tích để thấy mức độ ảnh hưởng đến F3 như trường hợp đã nêu đây nên được hưởng chính sách. Còn mức độ như thế nào, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để xem xét trên cơ sở phân tích mức độ ảnh hưởng của nó đến thế hệ thứ 3 đến đâu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.