Sáng nay (19/1), tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Y tế năm 2018, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2018, ngành sẽ tập trung 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân theo các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị |
Trong đó, việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…
Liên quan đến vấn đề tài chính và BHYT, người đứng đầu Ngành Y tế đề nghị BHXH Việt Nam phải đổi mới tư duy toàn diện, tăng chi phí thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho trạm y tế xã, huyện thay vì chi cho các bệnh viện tỉnh và Trung ương. Vì lên tuyến Trung ương là bệnh đã nặng rồi, chi phí rất tốn kém và hiện nay mức chi cho trạm y tế xã chỉ chiếm 3 đến 5% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Trong khi đó, chuyên gia quốc tế đến Việt Nam lại nói rằng: “Tại sao Việt Nam đã nghèo lại không thông minh?”. Chúng ta phải thông minh để chi cho các trạm y tế tuyến dưới, y tế tuyến xã, y tế dự phòng.
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị |
Hiện nay, mức thanh toán nói chung chỉ có 100.000 đồng cho một lần khám chữa bệnh nếu hơn thì BHYT không chi trả. Do đó, người ta phải vượt tuyến lên tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Khi lên tuyến trên lại khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh lại và nằm viện.
“Các đồng chí có biết thời gian nằm viện kéo dài dẫn đến quá tải và là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện, gây chi phí lớn”- bà Tiến nói.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Giám đốc bệnh viện vì trách nhiệm đối với sức khỏe của bệnh nhân phải giảm tối đa thời gian nằm viện và tỷ lệ khám chữa bệnh ban ngày tăng lên.
Thời gian tới, đó sẽ là tiêu chí để đánh giá chất lượng bệnh viện và BHXH Việt nam phải thay đổi mức chi trả đối với việc khám chữa bệnh ban ngày để bớt tốn kém.
Cũng tại hội nghị, theo báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan này đã ban hành 46 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 1,1 tỷ đồng.
Tại các địa phương, thanh kiểm tra 625.060 cơ sở, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (19,8%), xử lý 32.579 cơ sở (tăng 75% so với năm 2016) với số tiền phạt là 61 tỷ đồng (tăng 92,7% so với năm 2016).
Về khám, chữa bệnh và BHYT, đã thanh kiểm tra 9.332 cơ sở, phát hiện 2.580 cơ sở vi phạm (27,6%) với số tiền phạt là 14,7 tỷ đồng. Về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, đã thanh kiểm tra 15.307 cơ sở, phát hiện 4.508 cơ sở vi phạm (29,4%) với số tiền phạt là 12,9 tỷ đồng./.
Công an đang làm rõ việc bệnh nhi 8 tháng tuổi nghi bị tiêm nhầm thuốc
Vụ bệnh nhi nghi bị tiêm nhầm thuốc: Đình chỉ công tác nữ điều dưỡng