Dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe được đưa ra trong cuộc họp lấy ý kiến ngày 7/8 vừa qua lại khiến dư luận bức xúc.Bởi những điều khoản không cho phép người có ngực lép lái xe, từng đưa ra từ năm 2008, bị người dân phản đối, lại tiếp tục được “bê” nguyên vào dự thảo sau đó 5 năm.

Xung quanh tiến độ xây dựng dự thảo này, ý kiến của 2 cơ quan liên quan nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Y tế thậm chí còn trái ngược hoàn toàn…

nguc-lep.jpg
Quy định “ngực lép” không được lái xe từng gây bức xúc dư luận lại được xới lên (Ảnh: Tiền phong)

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Lãnh đạo Bộ GTVT chưa nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc quy định “ngực lép” không được lái xe. Nếu đơn vị nào đưa ra tiêu chí sức khỏe và quy định vòng ngực như vậy thì Bộ GTVT cũng không bao giờ đồng ý”.

“Muốn lái xe tham gia giao thông thì sức khỏe bình thường là được chứ cần gì phải đảm bảo đủ 83 tiêu chí sức khỏe. Môi hở hàm hay vòng ngực ra sao hoàn toàn không hề liên quan gì đến việc điều khiển phương tiện và đảm bảo an toàn giao thông” - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Trong khi đó, trả lời về việc dự thảo được nhắc tới là Thông tư liên tịch giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế viết rõ ngày 7/8/2013, văn bản này cũng được cung cấp bởi Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, lãnh đạo Bộ GTVT chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về dự thảo quy định này từ Bộ Y tế nên không có chuyện Bộ GTVT cùng ký văn bản để ban hành quy định nói trên.

Thứ trưởng Trường khẳng định: “Bộ GTVT không bao giờ đồng tình với những quy định về các tiêu chí sức khỏe như nêu trong dự thảo mà báo chí đang nhắc tới”.

Dẫn giải về thông tin liên quan đến dự thảo Thông tư, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, quy định “ngực lép” là dự thảo từ năm 2008. Bây giờ các nhà nghiên cứu của bên Y tế đang muốn đưa ra một tiêu chuẩn để định lượng cụ thể về sức khỏe, nhưng dự thảo đó cần phải sửa lại và chưa xin ý kiến ai cả. Việc sửa lại dự thảo cần một quá trình thảo luận, hiện tại cũng chưa có thông tin gì về quy định này.

Trước đó, nguồn tin từ Bộ Y tế cung cấp văn bản Dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe. Theo đó, để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua 83 tiêu chuẩn về sức khỏe. Trong dự thảo, có những tiêu chuẩn kỳ lạ như: Muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 cm3 trở lên (bằng lái A1, B1) thì vòng ngực phải không dưới 72 cm. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định theo hướng người có vòng ngực to sẽ được “lái xe to”.

Đại diện Bộ Y tế cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin dự thảo này được đưa ra trong năm 2013 và cho rằng đó là dự thảo của năm 2008.

Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có ban soạn thảo nên cũng chưa có dự thảo nào cho Thông tư liên Bộ được đưa ra.

“Lý do của nhầm lẫn về việc dự thảo văn bản tiếp tục đưa ra các chỉ số về “ngực lép” này có lẽ là gần đây, phía Cục Y tế GTVT (thuộc Bộ GTVT) đưa dự thảo cũ (và nói xây dựng trên nền văn bản này). Nhưng chúng tôi đã có kết luận là phải sau khi có ban soạn thảo rồi mới tiến hành xây dựng thông tư”, ông Tường nói.

Chiều 25/8, một lãnh đạo Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) đơn vị có thành viên tham gia soạn thảo cho biết, bản dự thảo được tổ biên tập (cơ quan thường trực, phục vụ cho ban soạn thảo) đưa ra. “Đây có thể gọi là dự thảo ban đầu và đã được tổ biên tập với các thành viên của Bộ Y tế, Bộ GTVT cùng tham gia góp ý kiến. Chỉ có điều, bản này chưa được đưa ra thảo luận chúng tôi có nghiên cứu dự thảo cũ nhưng đã chỉnh sửa, bổ sung” - vị này nói.

Ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, người tiếp cận rất sớm với bản dự thảo này khẳng định, dự thảo đang được bàn đến chính là bản ông mới được Bộ Y tế cung cấp.

“Tôi không quan tâm đó có phải là dự thảo chính thức hay không. Việc quan trọng nhất là phải góp ý để người ta thay đổi khi chưa ban hành”. Theo ông Tạo, tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức kém, không phải do những người “chân yếu, tay mềm”, vòng ngực nhỏ, lực kéo thấp gây ra. “Tôi khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng nào khẳng định những người có vòng ngực dưới 72 cm lái xe sẽ không an toàn” - ông Tạo nói./.