Sáng 24/10, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị vận động các nhà tài trợ nước ngoài nhằm thu hút vốn ODA phục vụ sự phát triển của ngành công an.

bo_cong_an_ucvn.jpgBộ Công an tổ chức Hội nghị vận động các nhà tài trợ nước ngoài

Tính đến hết năm 2013, Bộ công an đã tiếp nhận và thực hiện 29 chương trình, dự án ODA với tổng số vốn khoảng 156,7 triệu USD. Các chương trình, dự án này được tài trợ từ các nhà tài trợ song phương và đa phương như: Pháp, Áo, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Đến nay, số giải ngân dự án đạt khoảng 132 triệu đô la Mỹ. Nguồn vốn này góp phần hiện đại hóa các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phát triển hệ thống y tế, quản lý dân cư, giám sát giao thông…Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn được tài trợ khoảng 100 triệu USD. Các chương trình, dự án ODA giúp tăng cường năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cung cấp các trang thiết bị, phương tiện  hiện đại giúp công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đạt hiệu quả cao. Trong lĩnh vực an toàn giao thông, Bộ Công an tiếp nhận khoảng 16 triệu USD. Việc đầu tư, triển khai các dự án giúp nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông; tăng cường phương tiện, thiết bị nghiệp vụ hiện đại giúp lực lượng cảnh sát giao thông nâng cao hiệu quả công tác.

Để thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển của ngành công an, từ nay đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Bộ Công an dự kiến 70 đến 80 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD). Bộ Công an dự kiến huy động khoảng 200 triệu USD từ nguồn vốn ODA để tăng cường trang bị, phương tiện, khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng lực phục vụ dân sinh, cộng đồng.

Trung tướng Bùi Xuân Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an cho biết:  “Thời gian tới, Bộ Công an tập trung làm tốt công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu để đề xuất kế hoạch thu hút đầu tư đối với ODA đúng với quy hoạch phát triển;làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện, quản lý tốt dự án đảm bảo đúng luật pháp quốc tế. Thu hút nguồn vốn ODA cho những dự án trọng điểm, cấp bách, giải quyết những vấn đề mang tính xã hội, cộng đồng như: Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Y tế, an toàn giao thông, giáo dục và đào tạo, quản lý cơ sở dữ liệu dân cư, ứng phó với biến đổi khí hậu và dạy nghề cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng”./.