Sau một học kỳ 1 của năm học 2014-2015, thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học đã đánh giá nhận xét học sinh hàng ngày thay cho điểm số trước đây. Theo đánh giá ban đầu của nhiều trường tiểu học ở Hà Nội, thực hiện cách đánh giá học sinh mới này, kết quả học tập của học sinh vẫn giữ nguyên, thậm chí một số môn học có chất lượng học tập tốt hơn năm ngoái. Đặc biệt là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đã giảm hơn so với trước đây.

122_opxq.jpg
Vở của học sinh được cô giáo nhận xét hàng ngày

Đến thời điểm này, hầu hết các trường tiểu học ở Hà Nội đều đã hoàn thành công tác đánh giá kết quả học kỳ 1, với nhận xét: Thông tư 30 có nhiều ưu điểm, giảm áp lực cho học sinh về điểm số, khuyến khích, động viên kịp thời để các em có thể phát huy hết được khả năng của mình. Đồng thời cũng rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi tiểu học thích vừa học, vừa chơi, vừa được khám phá.

Mặc dù đây là học kỳ đầu tiên áp dụng phương thức đánh giá học sinh mới không chấm điểm mà thay vào đó là nhận xét, nhưng kết quả học tập của các trường nhìn chung không có xáo trộn. Tại trường tiểu học Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, toàn trường có 1.800 học sinh. Qua tổng kết đánh giá các em đều đạt hoàn thành chương trình học.

Bà Nguyễn Thị Hồng Diệp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngũ Hiệp huyện Thanh Trì cho biết: “Kết quả học tập của các cháu tất cả các môn được đánh giá 100% đều đạt không có cháu nào ở dưới cả. Tỷ lệ các cháu đạt điểm 9, điểm 10 của nhà trường là trên 70%, so với những năm trước vẫn giữ vững được chất lượng, còn việc đánh giá phát triển một số năng lực hay một số phẩm chất thì nhà trường vẫn duy trì các hoạt động giáo dục cho nên các con đều được đánh giá là đạt, không có cháu nào không đạt cả”.

Giờ học Toán của cô trò lớp 5A trường Tiểu học Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì

Điểm mới nổi bật của Thông tư 30 không có đánh giá về chất lượng, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà thay vào đó là những tiêu chí cụ thể đánh giá các em ở mức độ hoàn thành, và chưa hoàn thành. Đối với việc chuẩn kiến thức kỹ năng thì đạt và chưa đạt, với hai nội dung là năng lực và phẩm chất.

Theo bà Lê Thị Dung, cán bộ quản lý tiểu học phòng giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì Hà Nội: Việc khen thưởng này rộng hơn và vì sự tiến bộ của học sinh hơn. Tức là nếu các em học tốt môn Toán thì sẽ có phần động viên khen thưởng về môn Toán. Các em học chưa tốt nhưng có tiến bộ cũng được nhận khen thưởng chứ không phải cứng như trước đây. Điểm môn thi cuối kỳ dưới 5 là không được khen thưởng. Bên cạnh đó, Thông tư 30 bỏ các cuộc thi học sinh giỏi nên các bậc phụ huynh cũng đang dần quen và không cho con đi học thêm nhiều như trước đây vì điểm số nữa.

Còn đối với phụ huynh học sinh, việc khen thưởng này cũng tạo tâm lý phấn khởi vì biết được con mình giỏi môn nào và có năng khiếu gì và không còn tư tưởng so bì con mình học yếu, học kém.

Chị Nguyễn Kim Dung, quận Hoàng Mai cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 4. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định bỏ việc chấm điểm thì giáo viên chỉ nhận xét vào bài làm của con, tôi thấy tinh thần học tập của con đỡ áp lực hơn. Buổi tối con chỉ cần học có một tiếng thôi, sau đó là con được nghỉ ngơi được đi ngủ sớm không phải thức quá khuya như trước để cố gắng có điểm cao. Bây giờ kiểm tra cô chỉ nhận xét là con có cố gắng hoặc bài tập của con có tiến bộ. Sau học kỳ 1 con thi điểm rất là khá. Con được 2 điểm 10, một điểm 9 và một điểm 9.5. Con cảm thấy rất phấn khởi và cả gia đình cũng thế. Bố mẹ cảm thấy rất hài lòng với kết quả học tập của con”.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, triển khai những quy định trong Thông tư 30 là rất có lợi cho học sinh, phù hợp với xu hướng phát triển Mô hình Trường học mới VNEN, không tạo áp lực tâm lý cho trẻ, khi ở lứa tuổi “vừa học vừa chơi”. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì khó khăn lớn nhất của các trường đó là việc giáo viên phải ghi nhận xét hàng tháng và cuối kỳ quá nhiều, nhất là đối với những giáo viên dạy các môn âm nhạc, thể dục…

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới cách đánh giá đối với học sinh tiểu học là phù hợp với mục tiêu phát triển theo Mô hình Trường học mới VNEN nhằm phát triển năng lực toàn diện của trẻ sẽ được triển khai rộng ở các trường trong năm học tới. Mô hình Trường học mới VNEN là mô hình tổ chức lớp học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học lấy người học làm vị trí trung tâm. Trong năm học 2014 - 2015, cả nước có gần 2.500 trường tiểu học trên tổng số 15.000 trường thực hiện Mô hình trường học mới VNEN./.