Lão nông Nguyễn Vĩnh Cửu bên vườn thanh long gần 2000 gốc của mình |
Trong nắng nóng gay gắt, lão nông Nguyễn Vĩnh Cửu, thôn Thắng Hiệp, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc đang chăm sóc vườn thanh long xanh tốt, sai quả dù đang trái mùa. Ông bảo trước kia gia đình ông canh tác lúa, tất cả phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên nên kinh tế gia đình bấp bênh. Nhưng từ khi địa phương có dòng nước từ hồ sông Quao, ông bắt đầu chuyển sang trồng thanh long; đầu tiên chỉ hơn 100 gốc, đến nay là gần 2.000 gốc cho thu hoạch quanh năm. Gia đình ông cũng đổi đời từ nguồn nước.
“Nếu không có nước thì bó tay. Ông bà ta đã nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Nhờ nước thì vừa tưới và có điện từ thủy điện. Thanh long mà không có nước, không có điện thì thua. Nước tạo cho cuộc sống người dân phát triển rất nhiều, hơn xưa nhiều, nay toàn nhà cao cửa rộng”, ông Cửu chia sẻ.
Nhờ có nước, người nông dân tiếp tục mở rộng diện tích thanh long |
Nhờ những hệ thống kênh nối mạng, dẫn nước về tới tận đồng ruộng nên người dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long. Anh Trương Văn Thái, đang cùng với mọi người trồng trụ, đào mương dẫn nước cho thanh long phấn khởi nói: “Trước khi nguồn nước về người dân chủ yếu trồng lúa, thu nhập thấp, cuộc sống bà con thiếu thốn. Từ khi có nước bà con chuyển sang trồng thanh long hết bởi được giá, một năm nhiều vụ, thu nhập quanh năm. Có nhiều người đã vươn lên làm giàu”.
Nói về tầm quan trọng của thủy lợi, ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kể lại câu chuyện: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi còn làm Chủ tịch Quốc hội có lần về thăm Bình Thuận, sau khi đi một vòng quanh tỉnh, ông nói: để Bình Thuận phát triển thì chỉ có “Nước - nước và nước”. Vì tính cấp bách cũng như tầm quan trọng của thủy lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã dồn hết tâm sức để làm thủy lợi. Từ công trình khởi đầu là hồ chứa nước sông Quao, đưa vào sử dụng năm 1997 với dung tích 73 triệu m3, diện tích tưới trên 13.000 ha, đã có thêm nhiều hồ chứa, kênh mương được đầu tư xây dựng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Hồ thuỷ lợi Phan Dũng - huyện Tuy Phong |
Ngoài hệ thống kênh, hồ chứa gồm các hồ chứa lớn như hồ Sông Quao, hồ Cà Dây, hồ Lòng Sông, hồ Sông Móng, hồ Sông Dinh 3… trên địa bàn tỉnh còn nhiều hồ chứa nhỏ, các hệ thống trạm bơm điện; hệ thống kênh nối mạng lớn như kênh tiếp nước 812- Châu Tá- Sông Quao, kênh tiếp nước từ hồ Cà Dây, kênh Sông Móng- Đu Đủ- Tân Lập, dự án tưới Phan Rí- Phan Thiết…
Nhờ có các công trình vừa nêu, diện tích tưới ngày càng mở rộng. Nếu năm 2001, các công trình thủy lợi của tỉnh đảm bảo tưới cho hơn 44.000 ha/năm thì 10 năm sau, diện tích tưới đã tăng gấp 2,2 lần - lên đến hơn 97.000 ha/năm và đến năm 2014, khoảng 114.000 ha. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi còn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt với gần 20.000m3/năm, chỉ riêng hồ sông Quao cũng đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.
Nhờ nguồn nước sông Quao nông dân Hàm Thuận Bắc trồng được 3 vụ lúa 1 năm |
Có nước, những vùng đất khô cằn, bạc màu đã được phủ kín màu xanh của lúa, của thanh long… Nước được dẫn đến đâu, lúa, thanh long phát triển đến đó, đời sống người dân trong tỉnh ngày càng đi lên. Khi nông nghiệp phát triển, đã kéo theo công nghiệp, thương mại, du lịch của tỉnh phát triển. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của tỉnh Bình Thuận đã đạt 1.090 USD, gấp 2,57 lần so với năm 2005 và năm 2015 dự báo cao gấp 1,78 lần 2010.
Tiếp tục tập trung cho công tác thủy lợi, năm 2014 này, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỉnh Bình Thuận vẫn dành 50 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn 250 tỷ đồng của Chính phủ đầu tư phát triển thủy lợi. Riêng Công ty Khai thác công trình thủy lợi của địa phương cũng đã chi 30 tỷ đồng cho công tác đầu tư, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi.
Tuy nhiên về lâu dài, để chủ động nước tưới cho 100% diện tích đất sản xuất vẫn cần có sự đầu tư thêm các công trình hồ chứa khác... Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Khai khác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết: “Về lâu dài, kiến nghị Trung ương xây dựng hai hồ chứa lớn để tận dụng tốt nguồn nước xả của thủy điện. Thứ nhất là hồ chứa Sông Lũy điều tiết nước của thủy điện Đại Ninh và thứ hai là hồ chứa nước La Ngà 3 điều tiết nước của thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi. Có như vậy Bình Thuận mới đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và các dịch vụ khác”.
Các dòng kênh chính đã được xây dựng, còn kênh mương, nội đồng phải nhờ tới sức dân. Vì thế, vấn đề huy động sức dân trong phát triển thủy lợi được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh ủy Bình Thuận có chuyên đề Phát động phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ. Từ đó lan tỏa ra từng tổ chức Đoàn, hội, tạo ra một phong trào làm thủy lợi nhỏ như những ngày mới giải phóng, phát huy tối đa lợi ích của nước. Tỉnh Bình Thuận cũng đang khảo sát toàn diện, lấy thủy lợi làm tiêu chí đánh giá trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Huỳnh Văn Tí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận nói: “Đến bây giờ các công trình thủy lợi đầu mối lớn ở phía Bắc của tỉnh đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, phía nam các công trình đang tiến hành dở dang. Chúng tôi cũng đang phấn đấu quyết liệt làm sao đến năm 2015 về căn bản khu vực phía nam của tỉnh cũng sẽ có nước. Nếu làm được điều đó Bình Thuận sẽ từ tỉnh khô hạn về nước trở thành tỉnh chủ động về nước. Có thể nói đây là cuộc cách mạng thật sự của nhân dân tỉnh Bình Thuận nói chung và nông nghiệp, nông dân của tỉnh nói riêng”.
Vùng trồng thanh long ở Bình Thuận phát triển cũng nhờ đến nguồn nước của mạng lưới thuỷ lợi |
Những ngày này, cái nắng gay gắt tháng tư không đủ ngăn được dòng nước mát len lỏi về khắp nơi, mang theo màu xanh của hy vọng. Bằng quyết tâm của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã vắt đất ra nước, thay trời làm mưa để chiến thắng thiên nhiên, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Cuộc cách mạng về nước đã thực sự thành công trên mảnh đất đầy nắng và gió ở vùng Nam Trung bộ này./.