Bình Thuận là địa phương có thế mạnh về nghề biển. Ngoài góp phần đưa kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, hoạt động khai thác hải sản còn giải quyết lượng lớn lao động ở địa phương và một số tỉnh, thành khác.

Không chỉ khai thác ở các vùng biển ven bờ, từ lâu ngư dân Bình Thuận đã đi đến các vùng biển xa như: quần đảo Trường Sa hay vùng biển ngoài khơi nhà giàn DK1… để đánh bắt các loại hải sản.

Việc mở rộng vùng khai thác tạo hiệu quả rõ rệt, lợi nhuận từ những chuyến đi biển của ngư dân cao hơn so với trước. Theo lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận, trước đây chỉ có khoảng 20 – 30 tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ, đến nay con số đó đã tăng lên gấp cả chục lần với gần 400 chiếc.

binhthuan.jpg
Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, ngư dân Bình Thuận quyết tâm bám biển (Ảnh: Dân Việt)

Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt thời điểm từ cuối năm 2008 đến nay, giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề trong đó có hoạt động khai thác hải sản.

Chi phí cho những chuyến ra khơi ngày càng tăng. Lợi nhuận mỗi chuyến biển ngày càng ít đi, đồng nghĩa cả chủ tàu và lao động gặp khó, không ít bạn tàu bỏ nghề và đi tìm công việc khác.

Trước tình hình trên, Chính phủ cũng như UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích cũng như hỗ trợ nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân khai thác vùng biển xa bờ.

Triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ, trong gần 3 năm qua - tính từ tháng 9/2010 đến tháng 8/2013, Bình Thuận đã chi hỗ trợ dầu, máy thông tin liên lạc, bảo hiểm cho ngư dân được gần 56,1 tỷ đồng. Trong số đó tàu nhận được hỗ trợ dầu là 493 chiếc/1.214 chuyến biển, kinh phí hỗ trợ gần 51,5 tỷ đồng.

Có thể nói, việc hỗ trợ kịp thời ấy đã giúp ngư dân tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo thêm niềm tin.

Ông Nguyễn Phương (phường Phước Hội, Thị xã  LaGi) chia sẻ: “Ngư trường rất xa, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì sẽ rất khó khăn”.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, từng ngư dân cũng ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước khi ra khơi bám biển.

Ông Phạm Văn Trí (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) bày tỏ: “Chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về dầu giúp ngư dân bám biển, tăng thu nhập cho gia đình và giữ gìn vùng biển của Tổ quốc”.

Theo thống kê, hiện nay Bình Thuận có trên 7.800 tàu thuyền làm nghề khai thác hải sản, trong đó khoảng 2.200 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên. Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt cho 391 tàu cá đăng ký khai thác và làm dịch vụ thường xuyên trên các vùng biển xa bờ.

Cùng với giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn, việc khuyến khích hỗ trợ để ngư dân khai thác xa bờ đã góp phần tích cực trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam./.