Như VOVonline đã phản ánh liên tục, vào sáng 5/5 tại khu vực núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, 1 tảng đá lớn nặng hơn 300 tấn ở độ cao hơn 600m bất ngờ sạt lở, kéo theo nhiều tảng đá khổng lồ khác rơi xuống đường dẫn chính lên khu du lịch núi Cấm.

Hậu quả là đá đã đè lên chiếc xe du lịch làm chết 6 người; chia cắt tuyến giao thông huyết mạch, khiến cuộc sống của hơn 3.500 nhân khẩu và hàng ngàn khách hành hương thập phương gặp khó khăn.

nui_cam_11.jpg

Mang hàng hóa khi nên núi

Ngay sau khi sự cố xảy ra, các cấp, các ngành của tỉnh An Giang và huyện Tịnh Biên đã vào cuộc một cách quyết liệt nhằm khắc phục hậu quả. Đó là việc lo tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị kẹt trong xe; lo mai táng chu đáo cho từng người thiệt mạng với mức tiền hỗ trợ cho mỗi người là hơn 70 triệu đồng. Do các nạn nhân đa số ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nên cũng được các ngành đưa xe chở thi thể về tận nhà để gia đình mai táng.

Tại đoạn đường xảy ra vụ tai nạn, hiện có 1 tảng đá lớn, nặng khoảng 600 tấn đang nằm chắn lối đi, xung quanh là hàng chục hòn đá lớn nhỏ khác; bên trên sườn núi cũng có nhiều tảng đá còn mắc kẹt bởi các gốc cây.

Chốt cấm lưu thông dưới chân núi

Ngay trong ngày xảy ra sự cố, UBND xã An Hảo đã ra thông báo tạm ngừng việc lưu thông trên tuyến đường chính dẫn lên núi, nhằm bảo đảm tuyệt đói an toàn tính mạng cho nhân dân. Theo đó, 2 chốt gác được thiết lập ở dưới chân núi và trên khu vực dân tập trung sinh sống nhằm ngăn cấm người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường chính.

Do vậy mọi sinh hoạt của người dân và khách hành hương về khu du lịch phải đi bộ qua những con đường mòn trên núi đá; các vật dụng sinh hoạt thiết yếu hàng ngày phải gùi, cõng. Do điều kiện đi lại khó khăn, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo đã tăng 50% chi phí vận chuyển.

Đường sạt lở đang được đơn vị thi công dọn

Ngay sau khi có biểu hiện tăng giá một số mặt hàng, UBND xã An Hảo đã cho các lực lượng gùi hàng hóa nên núi, tổ chức 2 điểm bán theo giá bình ổn. Theo đó đến nay, đã cung cấp cho gần 100 hộ với hơn 1 tấn gạo và 300 lít xăng; giá cả sinh hoạt đã ổn định trở lại, các điểm bán hàng bình ổn sẽ tiếp tục được duy trì.

Các vấn đề y tế, giáo dục của hàng ngàn người dân và con em cũng được chăm lo chu đáo. Công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự, tránh nghe theo những tin đồn thất thiệt được làm thường xuyên, nên đời sống của người dân không xáo trộn nhiều.

Ông Phan Thanh Tài, Chủ tịch UBND xã An Hảo cho biết, lực lượng chức năng bằng mọi giá vận chuyển hàng hóa lên để bán cho bà con để đảm bảo giá cả bình ổn. Đối với y tế, đã thành lập 1 chốt cấp cứu lưu động và 1 điểm khám chữa bệnh được sự tăng cường cán bộ y tế của xã lên. Chính quyền xã cùng với gia đình và người thân vận động cho các em học sinh ở trọ khi xuống núi học.

Khó khăn nổi lên hiện nay là do giao thông bị ách tắc, gây cô lập nên việc sản xuất, vận chuyển nông sản hàng hóa của người dân bị tê liệt. Do vậy đơn vị thi công đang tập trung mọi nỗ lực để giải phóng các tảng đá nhằm thông đường trong vòng 15 ngày tới.

Điểm tảng cao nhất rơi

Tuy nhiên, do thời tiết có mưa, sườn núi có nhiều chỗ hiểm trở khiến công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn. Việc thi công muốn đảm bảo an toàn phải thực hiện bằng thủ công và chỉ có khoảng 7-8 công nhân thực hiện. Do vậy, sau hơn 6 ngày, đến nay đơn vị thi công mới đục đẽo, bóc tách các khối đá còn nằm cheo leo trên sườn núi được khoảng hơn 200m.

Ông Nguyễn Hữu Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Duẩn, đơn vị thi công cho biết: Chỉ khi kết thúc việc dọn sạch các khối đá nằm trên đường sạt lở dài hơn 600m bên sườn núi, khi đó mới tính được việc xử lý các khối đá nằm trên đường.

Trước tình hình sạt lở núi đá diễn ra ở khu vực Núi Cấm và một số nơi trên địa bàn, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường và các ngành chức năng phối hợp tiến hành làm rõ nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục, cũng như đưa ra những cảnh báo kịp thời ở những nơi có nguy cơ sạt lở để mọi người chủ động phòng tránh./.