Trường hợp tử vong là bệnh nhân nam, sinh năm 1996, ngụ tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một. Bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát từ ngày 4/7. Đến ngày 17/7, bệnh nhân chuyển biến nặng và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tích cực nhưng không qua khỏi. Chẩn đoán tử vong do choáng nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi mức độ nguy kịch biến chứng ARDS nặng do virus SARS-CoV-2 (chẩn đoán xác định bằng RT-PCR).

Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân nữ, sinh năm 1970, ngụ tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên. Bệnh nhân được điều trị tại Khu điều trị Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, do Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An quản lý, từ ngày 16/7. Sau đó, bệnh nhân chuyển nặng, được các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng đã tử vong trên đường chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Hôm 18/7 , Bình Dương cũng ghi nhận thêm 64 ca mắc Covid-19, trong đó có 30 ca ở khu cách ly, 18 ca tại cơ sở y tế, 16 ca phát hiện khi sàng lọc cộng đồng. Như vậy, tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay Bình Dương có 2.644 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, 8 bệnh nhân tử vong và 196 trường hợp khỏi bệnh.

Nhằm kịp thời điều trị cho các ca mắc mới, hôm 18/7, Bệnh viện dã chiến số 1, quy mô 1.500 giường tại Trung tâm triển lãm WTC EXPO của Tổng công ty Becamex IDC ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một đã được đưa vào hoạt động. Bệnh viện dã chiến được đầu tư các trang thiết bị y tế, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý đầy đủ như một bệnh viện thông thường. Đặc biệt, các mẫu xét nghiệm, X-Quang sẽ được chuyển về xét nghiệm tại Bệnh viện quốc tế Becamex; kết quả sẽ được số hoá, truyền về bệnh viện dã chiến nhanh chóng, chính xác để phục vụ cho công tác điều trị.Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng công ty Becamex IDC sẽ sử dụng xưởng khởi nghiệp thuộc trường Đại học Quốc tế Miền Đông (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) thành lập thêm Bệnh viện dã chiến số 2, cũng với quy mô 1.500 giường./.