Đợt mưa lũ vừa qua đã gây xói lở nghiêm trọng bờ biển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hàng nghìn m3 đất cát ở bờ đê chắn sóng bị cuốn trôi theo từng đợt sóng dữ. Hàng trăm hộ dân đang đối mặt với nguy cơ mất đất, nhà cửa do biển xâm thực quá nhanh.   

song_bien_vov_sgbc.jpg
Sóng biển tràn vào ruộng của dân.
Bờ biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc bị xâm thực hơn 3 cây số. Sóng biển xé toang dải cát và rừng phi lao. Nước biển lùa vào đồng ruộng, ao hồ, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng xâm thực đất nông nghiệp xuất hiện ngày càng nghiêm trọng. Cơn bão số 12 và đợt lũ lớn vừa qua khiến bờ biển bị xâm thực sâu kéo dài 4km, ăn  vào mép Tỉnh lộ 21. Nước biển tấn công, phá hủy nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân.
Đê biển xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc bị sóng đánh tan hoang sau bão số 12. 

Ông Lê Thanh Năm, người dân sống ven biển xã Vinh Hải cho biết: “Sạt lở bờ biển  cũng  ảnh hưởng chung toàn bộ nhân dân của xã Vinh Hải, 4 km bờ biển nhưng hết 2,5 km bị sạt lở và sóng xỏa ngang, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc đậu thuyền hoặc đánh bắt. Diện tích của lúa rất ít  nhưng do xâm nhập nước mặn, từ chỗ đó nhân dân của xã Vinh Hải cũng gặp nhiều khó khăn”.

Bờ biển xã Vinh Hải bị sạt lở nghiêm trọng.

Mưa bão dồn dập, khiến vùng đất ven biển Thừa Thiên-Huế liên tục bị sạt lở. Đêm đêm, ngư dân nằm nghe tiếng sóng dữ gặm nhấm vào bờ và cuốn từng mảnh đất của họ .

Theo người dân xã Vinh Hải, trong vòng 20 năm qua, gần 20 ha bờ  biển và  rừng phòng hộ và đất nông nghiệp ở xã Vinh Hải bị sạt lở cuốn phăng ra biển. Hiện nay sạt lở đang lấn sâu vào đồng ruộng.

Ông Nguyễn Hữu, Quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải huyện Phú Lộc cho biết, mấy hôm trước, nước biển ăn sâu  làm vỡ tuyến đê biển dài gần 100 m, cát biển tràn vào vùi lấp ruộng của dân: “Ảnh hưởng của cơn bão số 12 tình hình xâm thực biển hết sức nghiêm trọng, xâm thực sâu vào đất liền khoảng 15 mét, Tại thôn 4 trổ 1 cửa biển chiều dài khoảng 100 m và nước biển đã tràn vào gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt của người dân trên địa bàn toàn xã. Địa phương vận động dân thau chua rửa mặn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”.

Nước biển dâng làm vỡ đê biển khiến cát vùi lấp ruộng tại thôn 4, xã Vinh Hải.

Tình trạng xói lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên-Huế  kéo dài nhiều năm nay uy hiếp cuộc sống của người dân vùng ven biển. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Dọc bờ biển của tỉnh này có hàng chục điểm sạt lở nặng dài gần 30km. Tuy nhiên, đến nay chỉ có dự án kè kiên cố chống xói lở ở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, các khu vực còn lại về lâu  dài  cần có những dự án kè chống xói lở kiên cố, đảm bảo an toàn cho dân.

“Phía đê biển các vùng Quảng Công, Quảng Ngạn, Vinh Thanh, Vinh Hải sạt lở nghiêm trọng đặc biệt vùng Vinh Hải khoảng 200 m đê đã được gia cố từ năm 2014 với 2016 thì bây giờ sạt lở và có nguy cơ mở cửa biển mới . Hiện tại đang ảnh hưởng khu vực sản xuất vụ đông Xuân 2017-2018 của bà con. Sau này thì cũng có đề nghị với Trung ương xem xét để hỗ trợ cho Thừa Thiên-Huế để khắc phục tuyến đê này”- ông Đức cho biết.

Sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên-Huế ngày càng nghiêm trọng.

Để giúp dân vùng sạt lở ổn định cuộc sống, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức tái định cư cho hơn 1.000 hộ dân  vùng sạt lở ven biển và đầm phá. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, nhiều người dân nằm trong vùng sạt lở lại mất ăn mất ngủ vì biển xâm thực ngày càng sâu vào đất liền./.