Người dân chặn đường không cho xe chở rác vào bãi tập kết; Hàng chục cuộc đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung; Rác ngập ngụa khắp các nẻo đường, từ nông thôn đến thành thị, tràn ra biển… Đó là những gì đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung.

rac_1_vov_acra.jpg
Người dân bày tỏ bức xúc vì thành phố nhiều lần hứa di dời bãi rác Khánh Sơn mà chưa thực hiện.

Một số cán bộ vừa bị xử lý kỷ luật liên quan đến sai phạm trong việc thực hiện các dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đứng ra xin lỗi dân. Nhưng, rác thải hàng ngày cứ ùn ứ, dân khổ, phản ứng rần rần, chính quyền càng thêm lúng túng.

Phóng viên VOV tại miền Trung đã tìm hiểu thực tế để thực hiện loạt bài “Miền Trung ngập rác, dân khổ, chính quyền lúng túng”.

- "Các anh có hiểu chúng tôi khổ như thế nào không? Hôi thối chúng tôi chịu hết nổi rồi. Không đổ rác ban ngày thì đổ ban đêm. Dân Khánh Sơn chúng tôi không cho đặt nhà máy, không cho đổ rác nữa".

- "Xe chạy ngang qua nước đổ ào ào. Bây giờ chúng tôi đề nghị các ông dọn Nhà máy rác đi".

Đó là những phản ứng gay gắt của người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu tại buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

 Còn đây là tiếng nói bức xúc của người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ trong buổi đối thoại mới đây với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi:

- "Bây giờ còn tranh cãi như thế này, tôi đề nghị phải giải quyết nơi tạm thời để cho dân đổ rác".

- "Tất cả bà con chúng ta có mặt hôm nay hết sức bình tĩnh. Quan điểm của tôi là cho Nhà máy hoạt động trở lại để giải quyết rác thải tồn đọng và rác thải hàng ngày đang đe dọa cuộc sống của nhân dân nơi đây."

Do không tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân địa phương nên Nhà máy rác thải rắn sinh hoạt Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi dừng hoạt động hơn 1 năm qua. Rác thải ùn ứ khắp nơi, gây ô nhiễm trầm trọng.

Chính quyền địa phương vận động nhân dân ủng hộ nhà máy hoạt động trở lại, xử lý rác thải trên địa bàn cũng như xử lý dứt điểm 22.500 tấn rác tồn đọng. Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện đã gặp gỡ, đối thoại với bà con nhưng cả hai lần đều bị người dân phản ứng quyết liệt.

Hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ tiếp tục dùng chướng ngại vật chặn xe không cho chở rác vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt khiến hoạt động thu gom rác trên địa bàn huyện Đức Phổ không thể thực hiện, rác bị ứ đọng khắp các đường làng, ngõ xóm, bốc mùi hôi thối.

Phố chợ văn minh thành điểm tập kết rác.

Ngày 25/9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trực tiếp đối thoại và xin lỗi người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ về những sai phạm ở Nhà máy xử lý rác thải MD. Nói về Nhà máy này, ông Lê Viết Chữ cho biết, Nhà máy được đầu tư hơn 50 tỷ đồng, xây dựng cạnh bãi rác cũ ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh. Tháng 3/2018, Nhà máy bắt đầu vận hành, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày trong huyện, và xử lý bãi rác cũ tồn đọng đến 22.500 m3.

Sau khi Nhà máy đi vào hoạt động, người dân địa phương phản ứng gay gắt vì cho rằng Nhà máy vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường; không tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; vi phạm về phạm vi tiếp nhận, xử lý rác; hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thanh tra toàn diện dự án. Qua đó, phát hiện hàng loạt sai phạm xảy ra tại Dự án này. Đó là vi phạm về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; vi phạm về tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, về thực hiện quy chế dân chủ trong thực hiện dự án…

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, một số cán bộ chủ chốt các sở, ngành như: Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều cán bộ cấp sở khác vừa bị xem xét xử lý kỷ luật; một số cán bộ huyện, xã cũng bị kiểm điểm, chuyển công tác.

“Dù cấp dưới của mình là ai đi chăng nữa thì cuối cùng đồng chí Bí thư cấp ủy đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân. Cho nên tôi nghĩ mình là đảng viên, đứng đầu cấp ủy thì thay mặt đảng viên, cán bộ nhận lỗi với dân, xin lỗi dân một cách chân tình. Chính điều đó tạo động lực cho mình phải cố gắng giải quyết cho được kiến nghị của dân”, ông Lê Viết Chữ bày tỏ.

Tại tỉnh Quảng Nam, sau khi người dân phản đối về địa điểm xây dựng lò đốt rác ở Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Công văn yêu cầu thay đổi vị trí xây dựng lò đốt rác. Dự án này đã được phê duyệt trên diện tích 7 héc ta, tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, người dân tiếp tục dựng lều ngăn cản xe chở rác vào khu xử lý rác thải ở xã Tam Xuân 2 và Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Những bao rác vỡ ra, ruồi nhặng bu đầy.

Dọc tuyến Quốc lộ 1A, rác thải chất thành từng đống, cao như núi, trải dài cả trăm cây số từ thị xã Điện Bàn đến các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành. Ước tính, cứ 1 ngày không thu gom kịp, tỉnh Quảng Nam ùn ứ cả ngàn tấn rác. Từng túi rác ủ dưới nắng mưa bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối, nước rò rỉ chảy xuống lòng đường. Khu phố chợ Nam Phước, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên được đầu tư xây mới khang trang, bỗng trở thành trở thành khu phố rác.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, quá trình khảo sát, chọn địa điểm xây dựng lò đốt rác Đại Nghĩa chưa phù hợp. Khu vực dự kiến xây dựng lò đốt rác gần khu dân cư, người dân lo sợ ô nhiễm nguồn nước.

“Người ta lo nguồn nước khi chở rác về đổ xuống ngay con đập phía dưới. Bây giờ làm hệ thống cống đẩy không cho xuống đập đó thì người ta đồng ý thôi. Còn tất cả rác đưa vào nhà máy phải có mái che chớ không để ở ngoài. Phải công khai đi cho dân rõ”, ông Phan Việt Cường nói.

Tại các tỉnh miền Trung, rác thải chủ yếu là từ các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, khu dân cư, rác thải rắn, nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường. Việc thu gom, vận chuyển rác ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom cũng như xử lý rác ở khu vực này. Việc thu gom rác ở nông thôn chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư.

Còn ở khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà bằng cách đào hố chôn hoặc vứt ra sông, suối...

Rác vứt ra môi trường gây ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vậy ứng xử với rác thải như thế nào? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề xử lý rác thải trong các bài tiếp theo./.