Sáng 2/3, Thường trực Thành uỷ đã có cuộc họp với UBND Thành phố Hà Nội, lãnh đạo các quận, huyện, sở, ban, ngành về công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp Covid -19 (SARS-CoV-2).
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. |
Phòng, chống Covid-19 đòi hỏi giải pháp mới
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) Thành phố Hà Nội đã làm việc rất quyết liệt, kiểm soát tốt tình hình, ngăn ngừa cách ly không để lây nhiễm sang các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các quốc gia ngoài Trung Quốc, số ca tử vong trên thế giới đã lên tới hơn 3.000 người. Các ca tử vong ở Hàn Quốc, Tây Âu đang có xu hướng tăng. Trên thế giới có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm SARS-CoV-2. WHO đã nâng mức cảnh báo lên mức rất cao. Hà Nội với dân số đông, là cửa ngõ giao lưu quốc tế và có nhiều người nước ngoài sinh sống. Người Việt Nam ở Hàn Quốc hiện có 250.000 người, người Hàn Quốc ở Hà Nội khoảng 26.000 người. Hiện 1 tháng có khoảng 1.000 chuyến bay đi và đến Hà Nội. "Tình hình diễn biến dịch bệnh mới đòi hỏi giải pháp mới. Đây là thời điểm quan trọng phòng, chống dịch bảo đảm sự bình yên của người dân", Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo ông Vương Đình Huệ, 58 địa phương trong cả nước đã cho học sinh đi học nhưng Hà Nội là 1 trong 5 địa phương thận trọng chưa cho học sinh đi học đến ngày 8/3.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) Thành phố Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19, số trường hợp giám sát tại bệnh viện do nghi nhiễm SARS-CoV-2 là 96 trường hợp. Tất cả các trường hợp này đều đã có xét nghiệm âm tính. Hiện tại không còn trường hợp cách ly theo dõi tại Bệnh viện; Giám sát tại cộng đồng tổng số 4.725 người, đã hết thời gian giám sát 2, còn phải giám sát 2.115 người.
Đối với cách ly tập trung tại các điểm do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý hiện là 2.240 người. Tại Bệnh viện Công an Thành phố: tổng số 124 người, đã hết thời hạn cách ly 56 người, còn phải cách ly 68 người.
Ngành Y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập 4 khu cách ly cho những người về Việt Nam từ vùng có dịch, tổng cộng là 2.240 người. Cụ thể: Trường sỹ quan lục quân, hiện cách ly 975 người; Trường quân sự Sơn Tây, cách ly 752 người; Trung đoàn pháo binh (F308, cách ly 355 người; E59 Xuân Mai, cách ly 158 người).
Tại các quận, huyện, thị xã, hiện nay số người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong vòng 14 ngày còn đang ở cộng đồng là 2.497 người, trong đó từ Daegu là 38 người (21 Việt Nam và 17 Hàn Quốc), từ Bắc Gyeongsang là 19 người (11 người Việt Nam, 8 người Hàn Quốc) từ các khu vực khác là 2.440 người (415 người Việt Nam, 1.398 người Hàn Quốc và 87 người có quốc tịch khác).
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, từ ngày 13/2 đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hơp mắc mới (17 ngày liên tục chưa ghi nhận ca bệnh mới), nguy cơ lây nhiễm thứ phát từ Vĩnh Phúc và các tỉnh có người bệnh đến nay đã dần được loại trừ; Nguy cơ lây nhiễm từ các tỉnh, thành phố và các địa phương ít có giao lưu, tiếp xúc với người nước ngoài hiện nay đã giảm. Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam với số dân đông, là đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế và khu vực nên thường xuyên có nhiều nười nước ngoài. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh vẫn là rất lớn, đòi hỏi Thành phố không được lơ là, chủ quan và phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ hơn giai đoạn trước. Không loại trừ dịch bệnh kéo dài, chưa có thời điểm kết thúc, lây lan nhanh, rất phức tạp, khó lường, đang lan rộng khắp thế giới và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội của Thành phố.
Trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành, quận, huyện về tình hình dịch bệnh, theo dõi giám sát người nước ngoài, việc chuẩn bị vệ sinh an sức khoẻ trường, lớp sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại, thay mặt Ban chỉ đạo, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hậu quả dịch bệnh đã tác động đến kinh tế - xã hội, nguy cơ dịch bệnh đến từ nhiều hướng đây là thách thức, trước diễn biến mới đòi hỏi có giải pháp mới.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết: "Cần chỉ rõ nguy cơ lớn của dịch bệnh để người dân hiểu rõ. Mỗi người dân cần được trang bị ý thức giám sát cộng đồng; nhận thức nguy cơ để người dân có trách nhiệm vì bản thân, gia đình và cộng đồng. Thành phố sẽ chi ngân sách về chi phí ăn uống của những người cách ly. Đối với trường hợp người nước ngoài cách ly, tạo điều kiện để Sứ quán thăm hỏi khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư về việc dạy học trên truyền hình, Thành phố sẽ làm việc với Bộ Giáo dục về chương trình học".
Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới cho học sinh đi học
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, tình hình dịch bệnh hiện đã chuyển sang giai đoạn mới, lây lan ảnh hưởng đến việc bảo đảm sức khoẻ, sinh kế, hoạt động kinh doanh, tác động tiêu cực đến kinh tế của Thành phố, tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ đánh giá Thành phố chủ động ứng phó với tình hình mới, triển khai nhanh việc tiếp nhận, cách ly người từ Hàn Quốc, Việt Nam từ vùng dịch về.
"Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, Hà Nội chưa có ca mắc, không để lây nhiễm. Chúng ta đã đạt được thắng lợi bước đầu quan trọng trong phòng dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn nên tuyệt đối không được lơ là chủ quan, báo cáo thiếu trung thực về dịch bệnh và cũng không hoang mang lo lắng quá mức. Chúng ta phải tin tưởng vào khả năng của Việt Nam của Thành phố trong kiểm soát dịch bệnh. Thế giới đánh giá cao và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam", Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Bí thư Hà Nội, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất của Thành phố trong giai đoạn hiện nay, là trách nhiệm của Thành uỷ, UBND Thành phố, các tổ chức trong hệ thống chính trị; cần tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư về trách nhiệm phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cấp uỷ chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, người dân tự mình bảo vệ mình, ưu tiên bảo vệ sức khoẻ người già, trẻ em, người nghèo, hộ cận nghèo; Có biện pháp bảo vệ an toàn đội ngũ y, bác sĩ... cũng như sau này đi học lại của các thầy, cô giáo, sinh viên, học sinh. Quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập trên địa bàn Thủ đô, đồng thời Thành phố cần chủ động, tích cực, không để bị động bất ngờ, sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất, kiểm soát hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị hoạt động kép hiện nay là vừa bảo đảm yêu cầu chống dịch hiệu quả nhưng đồng thời bảo đảm duy trì các hoạt động của nền kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Về các giải pháp thực hiện phòng, chống dịch, biện pháp cách ly vẫn là quan trọng. Cần chuẩn bị việc cách ly tập trung, cách ly tại nơi ở, nơi cư trú bằng những giải pháp linh hoạt, cụ thể kể cả cách ly tại cộng đồng... Rà soát tất cả người đi từ vùng dịch chưa qua 14 ngày để theo dõi sức khoẻ; Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly người nhập cảnh từ vùng dịch. Thành phố tiếp tục bố trí bệnh viện dã chiến cách ly ở Sóc Sơn để dự phòng, bảo đảm điều kiện ăn ở tốt nhất.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đề nghị, Thành phố chủ động nên có xét nghiệm sớm 2 lần với tất cả những người cách ly tập trung để đảm bảo tránh lây nhiễm. "Thành phố chủ động bố trí xét nghiệm ngay và sớm giải toả những người cách ly tập trung càng tốt. Nếu đưa con em đi học mà vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn người cách ly thì phụ huynh không yên tâm, mấy nghìn người cách ly này chúng ta phải giải quyết cơ bản và triệt để".
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị truyền thông phòng chống dịch cung cấp đầy đủ thông tin dịch bệnh, các giải pháp phòng chống cụ thể cho người dân áp dụng. "Phải chủ động minh bạch thông tin kịp thời cũng như xử lý nghiêm thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang, ảnh hưởng công tác chống dịch".
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Thành phố Hà Nội phải đánh giá đảm bảo tuyệt an toàn khi học sinh đi học trở lại. "Phải theo dõi cập nhật từ nay đến ngày 8/3. Nếu có những vấn đề bất khả kháng, chưa đảm bảo an toàn cho học sinh thì Thành phố cũng phải nghiên cứu xem xét có quyết sách cho phù hợp chứ không phải cứ chốt chặt đi học trở lại là sau ngày 8/3. Phải tuyệt đối an toàn mới cho học sinh đi học; đồng thời khi đi học trở lại phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thầy, cô giáo, cho học sinh và phụ huynh. Đây là yêu cầu chỉ đạo rất cao của Thường trực Thành uỷ", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị Sở GD-ĐT làm việc với Bộ Giáo dục, kết hợp với Đài Truyền hình Hà Nội nghiên cứu thử nghiệm việc chọn giáo viên giỏi, chương trình giảng dạy phù hợp, phòng trường hợp xấu nhất để có kịch bản chuẩn bị sẵn sàng cho việc dạy học qua truyền hình./.
Việt Nam kiểm soát tốt nhưng không lơ là trước dịch Covid-19