Tại cuộc họp báo, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi báo chí đưa tin, máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 tại Bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức ngoài vỏ ghi là xuất xứ từ Đức, nhưng các thiết bị bên trong lại của Trung Quốc, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra tại 2 bệnh viện này.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trong máy có 3 quạt mát, 5 motor do Trung Quốc sản xuất, 1 quạt máy ghi xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội và đơn vị cung cấp thiết bị này là Công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản cho rằng, xu thế hiện nay các nước trên thế giới đã có sự liên kết, toàn cầu hóa trong sản xuất, lắp ghép và hoàn chỉnh thiết bị. Vì thế, việc xuất hiện tem mác của nước thứ 3 không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị.
Trước thông tin cho rằng, những máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 nằm trong gói thầu số 4 là lô hàng nhập lậu, được sản xuất tại Trung Quốc sau đó nhập qua Đức trước khi về Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hưng - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu 4, Công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản nói: “Chúng tôi không phải đơn vị trực tiếp đứng ra nhập khẩu thiết bị y tế này. Chúng tôi mua của một đơn vị khác là Công ty Tâm Long. Hiện các hồ sơ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ thiết bị đang do Đoàn kiểm tra và Sở Y tế Hà Nội giữ. Và tôi khẳng định, các thiết bị mà chúng tôi cung cấp đều có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ”.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra tại 2 bệnh viện: Thường Tín và Hoài Đức cho thấy, máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 đều trong tình trạng hỏng khoảng 1 năm nay.
Tuy nhiên, khi 2 máy này bị hỏng thì 2 bệnh viện này lại không thông báo cho đơn vị cung cấp máy đến sửa.
Riêng Bệnh viện Thường Tín còn mượn máy nhập lậu của công ty cung cấp hóa chất để hoạt động.
Chiếc máy xét nghiệm sinh hóa đi mượn này nhãn hiệu Hitachi 717 vừa bị Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội tịch thu, tiêu hủy và phạt bệnh viện Thường Tín 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Trong hồ sơ đấu thầu, đơn vị cung cấp thiết bị cam kết là đảm bảo cung cấp các linh kiện thay thế và sửa chữa trong vòng 10 năm nhưng 2 bệnh viện này không liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị mà lại liên hệ với đơn vị cung cấp hóa chất cho bệnh viện mình đến sửa chữa là không đúng quy định”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của đơn vị giám sát pháp lý của gói thầu số 4, đại diện Viện Trang thiết bị công trình y tế cho biết, 95% thiết bị y tế hiện nay đều có bộ phận sản xuất tại Trung Quốc; hơn nữa trong quy định đấu thầu không được nêu nguồn gốc, xuất xứ, model, tính năng đặc thù của thiết bị y tế nên đơn vị giám sát pháp lý của gói thầu chỉ căn cứ vào hồ sơ của đơn vị dự thầu./.